Có người từng hỏi tôi "Tin vào khả năng vô địch của Việt Nam ở AFF Cup kỳ này không?" và câu trả lời của tôi là "ĐTQG của mình, màu cờ sắc áo của mình, nên tôi luôn tin. Tất nhiên, nhìn nhận thì vẫn thấy ĐT còn nhiều nhược điểm lắm, đặc biệt là hàng thủ".
Niềm tin, nó như một thứ doping tinh thần. Và năng lượng lạc quan (hay tiêu cực cũng vậy) có thể dễ lây lan. Mình cần tin, để nếu có thể, nó góp với niềm tin người khác, thành một thứ năng lượng lạc quan được lây lan trong cộng đồng.
Điều đó chắc chắn sẽ mang lại không khí tích cực cho ĐT, nhất là ở thời mạng xã hội này, thời mà các cầu thủ có thể dễ dàng tiếp cận với nhận định, tình cảm của người hâm mộ.
Hết vòng bảng, phải thừa nhận nhìn ĐTQG đá, ta có thể thấy giàu cảm xúc, nhưg lo ngại thì vẫn nhiều lắm. Hai bàn thua có kịch bản giống nhau, đều từ những cú dứt điểm từ xa, ở khoảng không gian chiến lược của bóng đá, khoảng 20m trước mặt khung thành.
Mà đối thủ của ta ở bán kết, và chung kết (nếu ta vào được tới trận cuối ấy), có khả năng dứt điểm từ xa cực tốt.
AFF Cup 2016: Việt Nam 2-1 Myanmar
Nhưng bóng đá vẫn thường có cái gọi là "hay không bằng may". Nghìn người xem bóng đá, chắc cũng cỡ ngần ấy người đều có chút "mê tín", nhất là khi theo dõi đội bóng trong tim mình.
Và ở đúng mùa AFF Cup năm nay, tự dưng tôi cảm nhận thấy cái "mê tín" ấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mạnh mẽ bởi lý do tự dưng ở cùng một thời điểm, tôi gặp toàn những gương mặt mang lại chiến thắng cho ĐTQG, những chiến thắng đúng theo bản chất của nền bóng đá Việt Nam: mang tính thời điểm.
Hôm nay là đám cưới Việt Thắng, tiền đạo mà cuộc đời bóng đá của anh chắc sẽ "nhiều chuyện" để bàn, từ nhiều góc độ. Bây giờ Thắng đã làm công tác huấn luyện nhưng có lẽ, Thắng sẽ không bao giờ quên 8 năm trước.
Đời người có thăng, có trầm. Nhưng quan trọng là lúc "bĩ" có còn đủ kiên nhẫn mà theo đuổi hay không. Lần trở lại ĐTQG hồi 2008 cũng có thể coi là thời điểm của "Thắng bế". Năm ấy, tôi và Thắng có kỷ niệm rất lớn.
Trong một buổi tiệc hai anh em cùng có mặt, tôi ngồi chung với Thắng và có nói "Năm nay, anh cảm nhận là năm của mày. Cố lên, tập trung vào. Chỉ cần năm nay ăn được cái vô địch AFF là mãn nguyện một đời cầu thủ".
Việt Thắng và chiến tích để đời năm 2008.
Và cuộc đời cầu thủ của "Thắng bế" vinh sớm, nhục cũng nhiều, nhưng thời điểm "thắng lợi" chắc chắn là năm 2008 ấy. Chỉ một thời điểm ấy thôi, đủ khỏa lấp tất cả những gì ngọt lẫn đắng đã qua.
Hai năm trước, tôi còn mở quán café nho nhỏ, "Thắng bế" ghé chơi, hỏi tôi một lời khuyên. "Đi làm thầy đi. Có anh Chiến giúp mày, kiểu gì mày chẳng làm được. Có tuổi rồi. Còn nếu còn thèm đá thì nên chọn 1 đội hạng nhất, hạng nhì cũng được. Gắn bó với họ, tiền không quan trọng, đi với họ tới cùng, rồi treo giày làm HLV cho họ luôn", tôi đã bảo thế.
Hai hôm sau, Thắng bế nhắn tôi "Em về VPF đi dạy anh à". Tôi cho rằng, đó cũng là thời điểm thắng của Thắng. Chọn đúng đường, ổn định một đời.
Mấy hôm trước, tôi ngồi với Trần Minh Chiến. Hai anh em thỉnh thoảng vẫn ngồi lai rai với nhau. Nhưng kể từ độ Chiến về Bình Dương làm việc, tôi và anh ít gặp nhau. Phần vì anh đi làm xa, mỗi lần về Sài Gòn thì hai anh em ở hai đầu thành phố, gom nhau lại hơi khó.
Chiến cũng là gương mặt của một chiến thắng mang tính thời điểm của bóng đá Việt Nam. Ngày ấy, bóng đá cũng như cả nước mới vừa hội nhập lại, lệnh cấm vận mới được dỡ bỏ chưa lâu, bình thường hoá quan hệ với Mỹ cũng mới. Ta so với khu vực cũng còn đuối lắm.
Myanmar hôm nay đá với ta thế nào, ta đá với họ hồi đó cũng từa tựa như thế, nói chung là vất vả. Và Chiến là người đã hoá giải cái vất vả kia trong một khoảnh khắc, cú vô lê không cần nhắc lại nữa làm gì, bởi những ai yêu BĐVN đều nhớ mãi cảm xúc của đêm hôm ấy.
Trần Minh Chiến đã từng là ngôi sao tạo nhiều cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam.
Hôm trước, trong một chương trình bình luận trên truyền hình chung với tôi, Chiến có tâm sự "nếu như tôi ngày xưa mà đá ở thời nay, có khi chỉ đá được hạng nhất thôi. Bóng đá hiện đại hôm nay khác lắm, các em cũng ở trình độ khác lắm".
Tôi biết Chiến nói thật. Vì anh đi làm thầy bao lâu nay, lứa U19 vừa rồi vinh danh Việt Nam bằng vé World Cup U20 năm sau cũng có nhiều dấu ấn của anh nên anh hiểu cầu thủ trẻ hôm nay hơn thế hệ của anh những gì.
Nhưng nói gì thì nói, có những người đã nuôi giấc mộng bóng đá kể từ khi nhìn bàn thắng bay trong không gian Chiang Mai của Chiến năm 1995. Có thể họ là Thắng bế, là Công Vinh hay là Thành Lương…
Ở năm 1995 ấy, họ còn là những đứa trẻ. Nhìn bàn thắng kia, họ được nung nấu hơn cái khát vọng bay bổng như tuyển thủ thần tượng của mình. Chiến thắng của Chiến hôm đó không chỉ là khoảnh khắc loé sáng, để nền bóng đá có 1 chiến tích, mà còn là việc để lại cảm hứng cho tiếp nối sau này.
Trương Việt Hoàng: "lúc trẻ máu lắm em ơi. Chơi là chơi thôi, không nghĩ nhiều".
Đêm hôm kia, tôi đón Trương Việt Hoàng. Dù anh nói "Anh em mình gặp nhau, anh quý mày. Nhưng gặp nhau chỉ nói chuyện cuộc sống thôi, không nói chuyện bóng đá nhé, mệt lắm." nhưng tôi vẫn phải ghi đôi dòng về anh.
Ai quên được bàn thắng mở tỷ số vào lưới Thái năm 1998 của Hoàng đây? Đến giờ nó vẫn là bàn thắng "kinh hoàng" nhất trong ký ức người yêu đội tuyển. Nó đẹp đến tuyệt cùng đường đẹp mất rồi.
Tôi có nói về bàn thắng ấy rằng: "nó là khoảnh khắc". Chỉ cần sớm 1 phần trăm hay trễ 1 phần trăm giây thôi, nó sẽ không diễn ra, còn Hoàng chắc chắn sẽ chấn thương nặng. Hoàng cũng bảo "lúc trẻ máu lắm em ơi. Chơi là chơi thôi, không nghĩ nhiều".
Câu nói ấy khiến tôi hiểu hơn cái mất mát của những người chơi bóng là như thế nào. Đổi lấy một thăng hoa, sẽ là việc phải được trời đãi cho một khoảnh khắc vượt qua thế ngàn cân treo sợi tóc.
Bàn thắng của Hoàng mang lại chiến thắng đầu tiên của Việt Nam trước Thái Lan kể từ khi chúng ta hội nhập trở lại. Và đó cũng là một chiến thắng mang tính khoảnh khắc, bởi cả nền bóng đá của ta vẫn chưa vượt qua được họ.
Nhưng khoảnh khắc ấy khích lệ tinh thần rất nhiều, như khoảnh khắc của Chiến vậy. Nó là niềm hứng khởi để các thế hệ nối tiếp dũng cảm lao mình vào bóng đá.
ĐTVN liệu có vô địch AFF Cup năm nay?
Tự nhiên gặp lại những gương mặt từng mang lại những chiến thắng có giá trị ở các thời điểm của ĐTQG, tôi "mê tín" rằng năm nay có thể lận đận đấy, đá chưa thuyết phục lắm, nhưng biết đâu lại có một chiến thắng, mang tính khoảnh khắc. Điều đó đủ để động viên nhau trong giai đoạn bóng đá Việt đang buồn như mấy năm rồi.
Và nó cũng đủ để nhắc lại rằng, chiến thắng mang tính khoảnh khắc có thể là niềm vui, niềm hứng khởi nhưng không thể nào là chiến thắng đủ để thỏa mãn. Đơn giản, chúng ta cần một nền bóng đá vượt trội đối thủ, chứ không chỉ một ĐTQG có thể vượt đối thủ ở một thời điểm nào đó.
Và để có được một nền bóng đá như thế, cần nhiều thứ lắm. Chứ chỉ trông vào những miệt mài của những người thầy, như Chiến, như Thắng, như Hoàng…, chẳng bao giờ là đủ cả…
Tác giả bài viết: Hà Quang Minh
Nguồn tin: