|
Người ta xôn xao, rằng bà quyên sinh là do buồn chuyện con cái. Người không biết chuyện thì chậc lưỡi ngậm ngùi xót xa. Người tỏ ra rành rẽ thì bảo rằng không gì đau khổ bằng có những đứa con bất hiếu. Người ta có muôn vàn lý do để sống, nhưng chỉ có một lý do để tìm đến cái chết, ấy là sự cùng quẫn, bế tắc đến tột cùng.
Nếu là người trẻ, cùng với sự xót thương sẽ là oán trách, nào là dại dột, nào là ấu trĩ, nào là ích kỉ. Bởi đời vẫn còn dài, mọi sai lầm vẫn còn thời gian để sửa, mọi mất mát còn có thể tìm lại, mọi nỗi đau vẫn còn sức mạnh để vượt qua. Những người trẻ tự tìm cách kết thúc cuộc đời mình, suy cho cùng cũng chỉ vì quá yếu đuối mà không có ai đưa bàn tay ra níu giữ kịp thời. Người trẻ luôn chỉ nghĩ đơn giản thôi: Chết để hết khổ, để trừng phạt những kẻ làm mình đau khổ.
Người già thì khác, càng già càng hay lo sợ khi biết cái chết ngày một đến gần. Càng sang cái dốc bên kia cuộc đời càng trân quý từng phút giây được sống. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta khổ vì yêu đương, khổ vì bạc tiền, khổ vì tham lam, khổ vì nhỏ nhen toan tính. Những người đã sang bên kia con dốc cuộc đời, họ sống đủ nhiều để nhận ra đằng sau chữ Tình, còn có chữ Nghĩa, đằng sau bạc tiền còn có sự an yên, những mệt mỏi toan tính đời thường cũng không quý bằng được thảnh thơi, thanh thản. Thứ người già sợ nhất, ấy là sự cô đơn, ấy là sự vô tình của cháu con, ấy là sống mà như một người thừa, như một gánh nặng.
Có người mẹ cả một đời tần tảo sương gió nuôi bốn năm người con. Đến khi tuổi già ghé thăm, sức tàn lực kiệt thì các con bà bắt đầu phân chia ngày tháng để nuôi bà. Bà có miếng đất hương hỏa của cha ông, các con bà suốt ngày họp hành đòi phân chia. Có đứa muốn được ưu tiên liền tìm cách đón bà về nhà để giành công. Chỉ vì một chút đất đai mà anh em bỏ nhau không thèm nhìn mặt. Bà nói, đời bà, không có nỗi đau nào chưa trải, nhưng nỗi đau lớn nhất chính là nhìn những khúc ruột của mình đấu đá tranh đoạt lẫn nhau.
Có người mẹ, nghe lời con trai, bán đất ở quê theo con ra phố ở. Suốt ngày bà quẩn quanh trong ngôi nhà to vắng lặng, cửa khép, cỗng khóa im ỉm suốt ngày. Bạn thân của bà chỉ là chiếc ti vi. Đôi bận, bà phàn nàn ở phố buồn, giá chưa bán mảnh đất ở quê, bà về đó sống, có làng xóm, có bạn già. Ở với con, con cháu đi tối ngày, về nhà mỗi người một phòng. Sống cạnh người thân mà vẫn cô đơn. Con dâu nghe mẹ chồng phàn nàn liền buông câu: “Ở tuổi mẹ, khối người còn phải lê la mưu sinh ở ngoài đường, đói ăn đói mặc, nghèo khổ, bơ vơ. Mẹ ở với chúng con, có thiếu thốn thứ gì”.
Đúng là tâm tư người già, người trẻ không phải khi nào cũng hiểu được. Người già cô đơn, nó cũng giống như con trẻ bơ vơ vậy, cảm giác ấy đáng sợ lắm. Cô đơn không chỉ là khi ở một mình, cô đơn là khi ta có những người thân sống cạnh bên những vẫn thấy mình lẻ loi, cô độc.
Bố mẹ tôi có ba đứa con, mỗi đứa lớn lên ở một phương, vì điều kiện không phải ngày vui nào cũng sum vầy đoàn tụ được. Tết vừa rồi, nhà chỉ có hai ông bà đón năm mới. Bố tôi kể, lúc phút giao thừa, ông thắp nén hương cúng gia tiên, nghe hàng xóm ồn ào chúc tụng. Nhìn nhà người ta, tết nhất con cháu đông đúc sum vầy, ngó lại nhà mình, buồn đến ứa nước mắt. Mẹ tôi thì bảo: “Bố chúng mày nói quá thế thôi, buồn thì có buồn, nhưng đâu có khóc. Là con mình nó xa xôi bận bịu không thu xếp được mà về, chứ đâu phải nó không thương mẹ cha, bỏ rơi bỏ rớt”.
Tôi biết, bố tôi dù có nói quá đi một chút, cũng là để chúng tôi biết rằng ông bà mong chúng tôi biết bao nhiêu. Rằng cũng có những ngày ông bà mong những chú chim đã cứng cáp bay lượn giữa đời quay về nơi tổ xưa chốn cũ. Dù là chỉ vài ngày, đủ ăn cùng nhau đôi bữa cơm, chỉ để hỏi han những câu hỏi lặp đi lặp lại bao nhiêu lần không mệt mỏi. Là thế, chỉ đơn giản thế thôi mà tuổi già như được an ủi, mà khóe mắt nhăn nheo rạng ánh cười.
Thỉnh thoảng trên các trang mạng xã hội vẫn đăng những clip làm đau nhói lòng người, ấy là con trai dánh cha, con gái rủa xả mẹ già, ấy là cháu chắt vô lễ với ông bà. Là những gia đình đã nát tan không trọn chữ tình, chữ hiếu. Vô tình lướt qua những hình ảnh ấy, cảm thấy bất nhẫn làm sao.
Là người ta không nhớ, hay người ta cố tình quên, mẹ mang thai ta chín tháng mười ngày, nuôi ta từ thuở đỏ hỏn nằm nôi đến khi đôi chân cứng cáp sải bước giữa đời, không thể nào đong đếm những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt. Là cha tóc xanh mạnh mẽ trai tráng khi xưa nay lưng còng tóc bạc, đâu chỉ bởi vì thời gian mà bởi hao mòn vì nuôi con khôn lớn. Con là nhúm ruột của mẹ dứt ra, là giọt máu của cha truyền chảy. Nói một câu nặng nề đã thấy không phải, huống chi bạc ác với đấng sinh thành.
Thật xót xa khi đôi lần nghe ai đó nói rằng, thà mình không có con đã đành. Thật chẳng dễ dàng khi làm mẹ làm cha, nuôi con đến chẳng tiếc thân mình, cuối cùng chỉ ước như mình chưa từng sinh ra nó. Vì tôi cũng làm mẹ, nên tôi nghĩ mình hiểu tâm lý của hầu hết các ông bố bà mẹ trên thế giới này. Rằng chúng ta sinh con ra không phải để cầu mong sau này có chỗ tựa nương nhờ cậy. Chúng ta chăm chút cho con, yêu thương con, không phải để hầu mong mai này con lớn khôn đền đáp. Chỉ là, chúng ta sẽ rất đau đớn khi nhìn những đứa con mình đã yêu hơn cả sinh mạng lại trở nên tệ bạc ngay cả với chính mẹ cha mình.
Sinh thời, bà nội tôi từng nói: “Với người già đêm thường dài hơn, vì họ già rồi nên họ ngủ ít. Họ thức nhiều hơn để tận dụng những ngày sống đáng dần ngắn lại. Càng già càng thấy thiết tha với cuộc sống này hơn dẫu biết rằng lá vàng thì lại trở về với cội”.
Nếu không phải vì giông bão, chắc những chiếc lá vàng vẫn sẽ cố bám trụ lại trên cây cho đến khi không còn sức lực mà rơi rụng. Nếu không phải khổ đau tận cùng, bất lực tận cùng, chắc chắn những người già họ vẫn muốn được nhắm mắt xuôi tay trong ngôi nhà của mình, trên chiếc giường của mình, trong tiếng khóc than tiếc thương của con cháu, họ hàng chứ không phải từ biệt thế gian một cách cô độc dưới dòng sông vô tình lạnh lẽo, như cụ bà ở chỗ tôi ở sáng hôm qua.
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí