Tiếp tục chịu áp lực rất lớn, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai - HAGL của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức chưa ngừng xu hướng giảm giá. Trong phiên giao dịch 2/5, cổ phiếu HAG giảm sàn 7% xuống còn 4.930 đồng/cp.
Như vậy, chỉ sau chưa tới 1 năm, cổ phiếu HAG đã giảm tổng cộng khoảng 50% xuống mức thấp lịch sử. Vốn hóa của Hoàng Anh Gia Lai bốc hơi khoảng 5.000 tỷ đồng, khiến túi tiền của Bầu Đức cũng bay hơi khoảng 1.600 tỷ đồng.
Cổ phiếu HAG tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang đẩy mạnh tái cơ cấu với sự góp mặt của nguyên TGĐ ACB Lý Xuân Hải, một người mà Bầu Đức đã chiêu mộ thành công sau khi doanh nhân nổi tiếng một thời này mãn hạn tù.
Hồi cuối 2017, HAGL đã bổ nhiệm ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), về làm Trưởng ban chiến lược, có nhiệm vụ tham mưu cho HĐQT trong việc hoạch định, triển khai thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược kinh doanh, đầu tư và tài chính của tập đoàn.
Bầu Đức |
Ông Lý Xuân Hải (1965) được đánh giá là một trong những lãnh đạo thành công và nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng khi đưa ACB vươn lên trở thành ngân hàng duy nhất tiệm cận với nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong vụ án liên quan đến bầu Kiên tại ACB, ông Hải đã bị tuyên án 8 năm.
Vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã nhiều lần chuyển hướng và bán tài sản để tái cấu trúc lại HAGL.
HAGL từ bỏ bất động sản và thủy điện trong nước để chuyển sang trồng cao su, mía đường rồi nuôi bò ở Đông Dương. Tuy nhiên, trong năm trước, HAGL đã bán toàn bộ mảng mía đường cho các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, quý 1/2018, HAGL đã không còn doanh thu từ bò và bất động sản. HAGL đã giảm mạnh đàn bò từ hàng trăm ngàn con (250.000 con năm 2006) về còn vài chục ngàn con (13.000 con) với mục đích chỉ để lấy phân cho trồng cây ăn trái. Kế hoạch nâng đàn bò lên 1 triệu còn khả năng thất bại.
Trong quý 1/2018, HAGL chứng kiến lợi nhuận đạt 56,6 tỷ đồng với đóng góp chính từ mảng cây ăn trái, nhờ diện tích tăng thêm. Theo giải trình của HAGL, trong kỳ không phát sinh doanh thu bán bò là do công ty không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho ngành bò mà tập trung dành cho mảng cây ăn trái và ớt.
Trước đó, HAGL đã vay hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư đàn bò với định hướng mảng kinh doanh này là cứu cánh khi thị trường bất động sản đi xuống. Nhưng giờ đây, chiến lược của HAGL lại một lần nữa thay đổi khi đàn bò chỉ được duy trì để lấy phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái.
Xoay chuyển khá nhiều cách, tình hình tài chính của HAGL đã cải thiện đáng kể sau khi tái cấu trúc. Tuy nhiên, khó khăn của HAGL vẫn còn khá lớn khi mà tổng nợ vẫn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Các tài sản lớn của HAG vẫn đang được đem thế chấp cho các khoản vay ngân hàng…
Trên TTCK, khá nhiều doanh nghiệp vẫn chịu áp lực nợ lớn và cổ phiếu tụt giảm không ngừng.
Cổ phiếu Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh hôm 2/5 giảm sàn xuống 3.900 đồng/cp do doanh nghiệp này đầu tư dàn trải, nợ nần ăn sâu vào lãi.
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) cũng giảm và xuống dưới mệnh giá sau khi bốc hơi 70% gần đây do nợ nần nhiều và các dự án chậm trễ, trục trặc.
Trên TTCK, áp lực giảm giá vẫn còn khá lớn. Nguyên nhân là bởi áp lực chốt lời gia tăng sau một thời gian tăng vọt năm 2017 và quý 1/2018. Chỉ số P/E của TTCK có thời điểm lên tới 22 lần. Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột vẫn tiếp tục giảm giá mạnh.
Nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn đầu xu hướng giảm do nhiều doanh nghiệp gặp khó, báo lỗ hoặc lại rất thấp ngay trong quý 1. GAS, PVD, PVS,... đều nằm sàn trong phiên giao dịch 2/5. Thị trường chỉ chứng kiến Petrolimex (PLX) bứt phá ngược dòng nhờ kỳ vọng vốn ngoại và triển vọng của nhà bán lẻ xăng dầu hàng đầu Việt Nam.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng giảm mạnh, trong đó có BIDV, Vietinbank, DXG,...
Ngân hàng BIDV gần đây vẫn có dấu hiệu trục trặc khi mà HĐCĐ 2018 chưa tìm được người ngồi vào chiếc ghế chủ tịch mà ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, bỏ lại gần 2 năm qua. Thậm chí, BIDV còn khuyết người đứng đầu phụ trách HĐQT.
Ông Trần Anh Tuấn đảm nhận vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT sau khi ông Hà nghỉ hồi tháng 9/2016 nhưng hôm 2/5/2018 đã có đơn xin từ nhiệm.
Giao dịch trên TTCK có một số dấu hiệu suy yếu, trong đó, đáng lo ngại là thanh khoản giảm rất nhanh, dòng tiền có dấu hiệu rút lui khỏi TTCK.
Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán như HCM, SSI, VND,... cũng giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, nhóm bán lẻ có cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Mặc dù áp lực chốt lời cao nhưng TTCK Việt Nam chưa có dấu hiệu xấu bởi triển vọng kinh tế vẫn khá sáng sủa, xuất khẩu và dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Theo Forbes, những tín hiệu này là tích cực đối với một nền kinh tế như Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch 2/5, VN-index giảm 21,18 điểm xuống 1.029,08 điểm; HNX-Index giảm 1,67 điểm xuống 120,97 điểm. Upcom-Index giảm 0,75 điểm xuống 55,8 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần. Giá trị đạt 6,1 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet