Giáo dục

Cô giáo một chân vượt hàng trăm km, truyền sức sống cho người khuyết tật

Sau vụ tai nạn giao thông, cô giáo Minh Tâm bị mất một chân, người thân lo cô sẽ quỵ ngã, nhưng với sự quyết tâm lớn cộng với lòng yêu nghề sâu sắc, cô lại có thể "bắt nhịp" với cuộc sống bình thường. Giờ đây cô Minh Tâm hết lòng với nghề, say mê công tác từ thiện, tích cực đi thăm hỏi, động viên những người không may khuyết tật như cô.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm hiện là giáo viên môn Toán, trường THPT Thiên Hộ Dương, phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Gặp nạn trên đường vận động học trò ra lớp

Cô giáo Minh Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở TP Cao Lãnh. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nữ sinh Minh Tâm cùng mẹ và chị gái chạy đôn chạy đáo lo cái ăn từng bữa. Đến thời sinh viên, Minh Tâm vừa học vừa đi làm thêm, trong đó nghề bán hoa vào những dịp lễ, tết… là công việc Minh Tâm có nhiều kinh nghiệm nhất.

Sau 4 năm miệt mài đèn sách, Minh Tâm tốt nghiệp ĐH ngành Sư phạm Toán. Đầu năm học 2008, cô Minh Tâm được Sở GD-ĐT Đồng Tháp phân công về công tác tại trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng). Đây là ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, điều kiện dạy và học nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là những năm lũ lớn.

Sau khi bị tai nạn giao thông cưa mất một chân, cô giáo trẻ Minh Tâm quyết tâm vượt qua nỗi tự ti của bản thân, trở lại với việc dạy học.

Nhưng sau một năm công tác, cô giáo Minh Tâm rất thương vùng đất này. Cô thương những em học trò ngoan hiền, chân chất; thương những phụ huynh tần tảo sớm hôm trên ruộng đồng nhưng hết lòng lo cho con cái chữ… Trong lúc cô giáo Tâm có nhiều dự tính, gắn bó tương lai của mình với mảnh đất này thì tai họa ập đến, cô bị xe tải cán nát chân trái.

“Hôm em gặp tai nạn là 31/8/2009, hôm đó em đi vận động các em học sinh trở lại lớp học sau 3 tháng hè. Khi về gần đến điểm trường thì bất ngờ bị chiếc xe tải đâm sầm, em bất tỉnh không biết chuyện gì. Khi mở mắt ra thì thấy rất nhiều người bên mình. Em thấy mẹ khóc rất nhiều nhưng lúc này em chưa biết mình bị cưa mất chân. Mãi đến hôm sau em mới biết điều này. Em có chút lo lắng nhưng không suy sụp, vì làm như thế mẹ và những người thân của mình càng đau lòng hơn” - cô giáo Minh Tâm chia sẻ.

Từ việc tập đi, cô Tâm không ngần ngại ra công viên chơi đánh cầu, nhảy dây... Ở đây cô có thêm nhiều người bạn, sẵn sàng hỗ trợ cô trong những hoạt động xã hội

Xuất viện về nhà, cô Tâm tập tành làm quen với cái chân giả ròng rã 5 tháng liền mới đi lựng khựng được. Thấy sự quyết tâm và lòng yêu nghề của cô giáo trẻ Minh Tâm, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện cho cô Tâm chuyển công tác về TP Cao Lãnh, giảng dạy tại trường THPT Thiên Hộ Dương cho đến nay.

Cô Tâm nhớ lại, dù đi lại đã quen nhưng mỗi lần chạy xe đến trường, xuống xe vào cổng là bị ngã. Mỗi lần bị ngã không chỉ đau mà chân giả bị đứt dây, phải mang lên tận Sài Gòn sửa lại. Mãi sau này, cô Tâm mới tìm được thợ ở TP Cao Lãnh sửa nên đỡ vất vả hơn mỗi khi chân giả bị đứt dây.

Hết lòng với nghề, giàu lòng nhân ái…

Trong lúc cô giáo Tâm sửa soạn lại cái chân giả để chuẩn bị đi thăm một cô bé không may bị tai nạn, cưa mất một chân như cô ở huyện Tân Hồng, mẹ cô Tâm - bà Nguyễn Thị Bảy, chia sẻ: “Từ nhà lên nhà cháu gái đó cũng 70-80km, xa xôi vô cùng nhưng Tâm nhất quyết đi thăm. Nghe đâu cháu đó đang bị trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai…”.

Chúng tôi trò chuyện với cô giáo Tâm, lúc nào cô cũng vui vẻ, cười tươi, ngay cả khi mẹ trêu chọc ế chồng vì thiếu chân, vì mê làm việc thiện. Mẹ cô Tâm còn kể lại câu chuyện cô Tâm đi thi cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” vào cuối 2015 ở Hà Nội: "Sau cuộc thi đó, khi có ai hỏi Cháu mất một chân, thấy mình có thiệt thòi gì không?, cháu Tâm vô tư trả lời Cháu thấy mình thuận lợi hơn vì trước kia khi còn hai chân, không dám đi thi người đẹp, hoa hậu… Còn bây giờ cháu mới có cơ hội đi thi người đẹp, hoa hậu…”.

Cô Minh Tâm tự tin trong cuộc thi "Tôi đẹp, bạn cũng thế" được tổ chức tại Hà Nội vào 2015.

Cô giáo Tâm cho biết, cô đi thi để truyền thông điệp đến những người không may bị khuyết tật như cô sự hy vọng, nỗ lực bản thân rồi sẽ có một ngày gặt hái được niềm vui, hạnh phúc dù cơ thể có khiếm khuyết một điểm nào đó. Tuy vậy, chẳng ai biết cô giáo Minh Tâm vui tươi, yêu đời như hiện nay là cả quá trình rèn luyện không mệt mỏi.

“Khi em đi lại vững vàng, em bắt đầu vượt qua nỗi mặc cảm bản thân bằng cách ra công viên tập thể dục, chơi đánh cầu, nhảy dây… Trong nhiều ánh mắt thán phục em, không ít lần em bắt gặp những ánh mắt dè chừng nhưng điều đó càng làm em nỗ lực hơn trong việc “cởi trói” sự tự ti của bản thân để hòa nhập với cộng đồng” - cô Minh Tâm chia sẻ.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017i, cô Minh Tâm vận động và trực tiếp phát cơm miễn phí cho các thí sinh tham gia kỳ thi tại tỉnh Đồng Tháp.

Cô Tâm từng hiểu rõ nỗi đau, sự khó khăn của một người khuyết tật, chính cô có kinh nghiệm trong việc biết vượt qua mặc cảm của bản thân như thế nào để vươn lên trong cuộc sống… Chính vì những điều này, 2 năm qua, ngoài những giờ đứng trên bục giảng, cô Tâm dành nhiều thời gian, có khi vượt hàng trăm km đến thăm, động viên những người “bỗng dưng” gặp tai nạn như cô.

Cô Tâm chia sẻ: “Qua người bạn cho hay có một cô giáo trẻ ở Trà Vinh bị tai nạn rồi cắt một chân đang nằm điều trị ở TP Hồ Chí Minh. Em đợi mẹ vắng nhà, một mình bắt xe lên bệnh viện thăm cô giáo đó. Cô ấy vui vẻ trở lại và đang dần trở lại cuộc sống bình thường, dù trước đó cô này rất buồn, nhiều lúc không muốn sống”.

Anh Hòa (TP Cao Lãnh) bị tai nạn và phải cắt hết 2 chân. Sau lần cô giáo Minh Tâm đến thăm, động viên, anh Hòa vui sống trở lại. Hiện nay anh có thu nhập ổn định từ nghề sửa xe

Theo cô Tâm, khi đến thăm những người có cảnh ngộ như cô, cô chẳng có phép màu nào ngoài những lời thăm hỏi, động viên chân tình. Tiếp đó, cô Tâm chia sẻ những câu chuyện vượt lên chính mình của những nhân vật được thông tin trên báo chí… Từ đó, những “bệnh nhân” của cô dần chuyển hóa, từ chán chường, buông suôi… bắt đầu cười tươi, nói chuyện với người thân, bạn bè.

“Những người em đến thăm sau này trở thành bạn bè, người thân của em vào họ còn tình nguyện tham gia hội viên nhóm thiện nguyện Nhất Tâm của em. Một số bạn, anh chị còn theo Tâm đến chăm sóc người khuyết tật. Em hạnh phúc về điều này và mong có cơ hội được chia sẻ, truyền cảm hứng sống tích cực cho những người khuyết tật khác” - cô Tâm chia sẻ.

Hiện nhóm thiện nguyện Nhất Tâm do cô Tâm thành lập, chuyên giúp đỡ học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Để có nguồn quỹ, mỗi dịp lễ, tết, nhóm cô Tâm bán hoa hồng, nếu còn thiếu, cô vận động bạn bè, người thân cho nguồn quỹ kha khá. Mỗi lần đi trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn, cô Tâm trăn trở: Món quà của mình chỉ giúp bà con được một bữa no. Cô Tâm ước ao gắn kết với doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cơ sở dạy nghề… để cho họ có chút vốn làm ăn hoặc cho họ một cái nghề, việc làm ổn định thì mới thoát nghèo bền vững được.

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP