Giáo dục

Cô gái tốt nghiệp thủ khoa kỹ sư ở Đại học Bách khoa TP HCM

Giành điểm 10 điểm bảo vệ luận văn, Khánh Vy là nữ sinh hiếm hoi tốt nghiệp thủ khoa của trường đào tạo kỹ sư lớn nhất phía Nam.

Dương Ngọc Khánh Vy vừa tốt nghiệp ngành Vật lý y sinh Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) với danh hiệu Huy chương vàng (thủ khoa). Thành tích của Vy cũng khiến nhiều "cánh mày râu", chiếm số đông của ngôi trường đào tạo kỹ sư này, thán phục: 10 điểm luận văn tốt nghiệp, tốt nghiệp 8,54.

Vy được trao một suất học bổng du học toàn phần chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trong 5 năm tại Nhật Bản. Nhưng vì không mấy hứng thú với công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nên cô đã từ chối để theo niềm đam mê với Vật lý y sinh hướng ứng dụng.

"Ở trường kỹ thuật khối lượng kiến thức kỹ thuật, lại là con gái nên việc học rất nặng nhưng chỉ cần thật sự chăm chỉ là có thể thu nạp được và đạt kết quả tốt", cô thủ khoa chia sẻ.

Khánh Vy và ba mẹ trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Dương Ngọc.

Vy quê ở Tiền Giang, hồi cấp ba học tại THPT Đốc Bình Kiều, rất mê ngành báo chí nên. Cô tập trung ôn luyện khối D để thi vào ngành này ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM và đăng ký thêm khối A1 vào Đại học Bách Khoa chỉ để phòng hờ.

Kết quả, Vy không đậu ngành báo chí nên đăng ký xét nguyện vọng chuyên ngành Marketing ở Đại học Cần Thơ và Bách khoa TP HCM với điểm số vừa vặn. Khi đó, Vy không muốn lên Sài Gòn mà muốn quay về học ở Cần Thơ. Gia đình lại khuyên nhủ cô nên học Bách khoa vì công việc sau khi ra trường rõ ràng, ổn định hơn.

Bước vào môi trường kỹ thuật, nữ sinh với sở trường các môn học xã hội này gặp nhiều khó khăn bởi khối kiến thức tự nhiên, kỹ thuật rất nặng. Vy kể, có những môn học mình đã cố gắng hết sức, ôn luyện rất kỹ nhưng vẫn không thể theo được.

"Cảm giác như không đủ năng lực để học những kiến thức đó khiến mình áp lực không chịu được, khóc nhiều lần. Năm đầu tiên ở trường Bách khoa, mình từng muốn buông bỏ", cô nhớ lại.

Do có chút khiếu khả năng quản trò, múa hát lại yêu trẻ con nên Vy muốn ngưng học, chuyển hướng sang ngành mầm non. Nhưng cô sinh viên năm nhất ngày ấy không chắc chắn việc mình có thể theo đuổi ngành này đến cùng hay không, đành tiếp tục con đường trở thành kỹ sư.

"Suy nghĩ đã phóng lao thì phải theo lao lúc đó đã giữ chân mình. Khi đó vẫn có một môn học mà mình có thể hiểu nên tự nhủ rằng học Bách khoa không quá khó, cố gắng là được. Mình đã bước tiếp từ hy vọng nhỏ nhoi ấy", cô kể.

Vy tự nhận bản thân không giỏi ở các môn tự nhiên nên chọn cách thu nhặt kiến thức bằng việc học tập thật chăm chỉ. Hai năm đầu tiên, hễ hết thời gian học ở lớp, Vy lại cùng các bạn giải bài tập đến tận 12 giờ khuya.

Cô sinh viên tâm niệm rằng nếu mình không giỏi, không thông minh thì phải chăm, làm bài nhiều lần tự khắc kiến thức sẽ ghi vào đầu mình. "Học từ từ rồi tự nhiên mình lại tư duy theo hướng khoa học, nhạy với các vấn đề kỹ thuật hơn", Vy nói.

Không chỉ tự học, nữ sinh năm nhất còn tranh thủ "học lỏm" sinh viên khóa trên khi từ cơ sở Thủ Đức lên tận cơ sở chính ở quận 10 để xem các anh năm 2-3 lắp mạch, hàn mạch, đo đạc. Dần dần, cô nhận ra những việc tưởng chừng chỉ có nam làm được thì con gái chân yếu tay mềm vẫn không thua kém.

Những môn học không thuộc chuyên ngành như vẽ mạch điện, vẽ in 3D, viết code cho bảng mạch… cô toàn học hỏi từ các bạn ngành khác, tự tìm thêm phần mềm để học và áp dụng vào nghiên cứu khoa học.

Nhờ chăm chỉ, từ học kỳ 2 của năm nhất, Vy cũng nhận học bổng thường xuyên. Số tiền từ học bổng, cô tự trang trải các chi phí học tập và sinh hoạt. Từ năm ba, cô còn đi phát tờ rơi, giúp việc để có thêm tiền học khi chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn ngày càng đắt đỏ.

Vy tự nhận, nhìn bên ngoài cô trông như mọt sách nhưng kỳ thực là người rất chịu chơi. Ngoài việc học, Vy còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở trường, thường xuyên đi thăm thú khắp mọi miền cùng nhóm bạn thân.

Vy (thứ tư từ trái sang) và bạn bè trong một chuyến dã ngoại. Ảnh: Dương Ngọc.

Khi làm luận văn tốt nghiệp, trong khi đa số bạn cùng lớp chọn đề tài nghiên cứu lý thuyết, Vy mạnh dạn chế tạo sản phẩm máy phát hiện sâu răng hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện, cô sinh viên năm cuối gặp nhiều khó khăn khi chọn thiết bị như camera thu ảnh, thiết bị điện phát sáng phù hợp.

Các thiết bị này phải đặt mua ở nước ngoài, quá trình thử nghiệm mất nhiều thời gian. Ngoài ra, cô còn gặp rào cản quy định phụ nữ không thể đảm nhận công việc hàn cắt hay làm bảng mạch. "Hội đồng khoa học ở khoa đã đánh giá luận văn như một đề tài thạc sĩ vì nó có sức nặng. Nó đã mang đến nhiều cơ hội cho mình", Vy tự hào kể lại.

Nói về danh hiệu thủ khoa, cô kỹ sư trẻ không dám tin được một người có điểm đầu vào khiêm tốn, từng chán nản với ngành học lại có được thành tích này. "Mình nghĩ chỉ nỗ lực đi lên sẽ gặt được kết quả như mong đợi", Vy đúc kết.

Khánh Vy đang làm việc cho tập đoàn sản xuất thiết bị y tế lớn ở TP HCM, vừa làm, vừa học để chuẩn bị cho những ước mơ xa hơn.

Tác giả: Yến Nhi - Nguyễn Mai

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP