Hai lần "đột nhập" mạch máu não giải cứu cô gái bị mù mắt và hoại tử mũi trán sau tiêm filler tại spa. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân là chị H. (nhân viên ngân hàng ở Thái Nguyên) kể lại, do nghe lời quảng cáo trên facebook về chương trình khuyến mại hấp dẫn, chị đã đồng ý để nhân viên spa tiêm filler nâng mũi.
Ngay khi đang tiêm, bệnh nhân đã thấy đau buốt dọc sống mũi và lan vào tận trong óc, chị cảm thấy choáng váng như muốn ngất đi. Còn mắt phải chỉ thấy một màu tối đen như mực.
Phó giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn và hoảng loạn, da vùng trán và mũi bắt đầu tím sẫm, lạnh hơn các vùng khác trên mặt. Mắt phải sụp mi, rối loạn vận động các cơ nhãn cầu. Thị lực không còn cảm nhận được ánh sáng. Bệnh nhân được chẩn đoán là tai biến do tiêm filler mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán mũi và ổ mắt.
Ngay lập tức, các bác sỹ khởi động quy trình cấp cứu tối khẩn cấp. Sau đó, bệnh viện đã mời các chuyên gia của Bệnh viện Mắt trung ương đến cùng hội chẩn và điều trị. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ nỗ lực điều trị, bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi một cách rõ rệt. Từ chỗ thấy tối đen, bệnh nhân đã có thể nhìn và phân biệt được các bác sĩ chữa bệnh cho mình và đếm ngón tay ở khoảng cách 60-70cm.
Các bác sĩ kiểm tra thị lực cho bệnh nhân (Ảnh: BV Việt Đức) |
Tuy nhiên, ThS. Trần Thị Thanh Huyền khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ thông tin thêm, 12 giờ sau lần thông tắc mạch đầu tiên, bệnh nhân lại xuất hiện mất thị lực toàn bộ. Cả ekip của bệnh viện Việt Đức lại phải can thiệp lần thứ hai.
Rất may là sau hơn 2 tiếng đồng hồ điều trị tích cực, thị lực của bệnh nhân đã cải thiện gần như sau lần can thiệp đầu tiên.
14 ngày sau tai biến, bệnh nhân đã ổn định hơn nhiều, các cơn đau buốt đầu vào mắt đã giảm, vùng da mắt và mũi phục hồi gần như bình thường không còn dấu hiệu hoại tử. Bệnh viện vẫn phải theo dõi sát liên tục và sử dụng phối hợp cùng một lúc 2 lọai thuốc loãng máu. Thị lực cũng khá hơn so với lần tiêm thuốc giải lần 2, bệnh nhân có thể đếm được các ngón tay, nhìn phân biệt các đồ vật ở khoảng cách 50 - 60 cm.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, BV mắt TW nhận định đây là một trong những những kết quả hơn cả mong đợi. Bệnh nhân này có thể giữ lại được một phần thị lực chứ không bị mù vĩnh viễn như các bệnh nhân khác.
Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quốc tế, năm 2018 có khoảng ảnh hơn 3,7 triệu ca tiêm filler được thực hiện bởi các bác sĩ Phẫu thuật tạo hình trên toàn thế giới chưa kể đến rất nhiều các các thủ thuật tiêm filler thực hiện bởi các bác sĩ không chuyên khoa cũng như được tiêm một cách trái phép tại các Spa thẩm mỹ viện.
Một nghiên cứu tổng quan gần đây cho thấy tỉ lệ các biến chứng từ tắc mạch hoặc mù mắt dao động từ 3 đến 9 ca trên 10.000 ca tiêm. Như vậy về tổng thể trên toàn thế giới đây là một con số hết sức đáng báo động. Số ca biến chứng rất nặng như mù mắt sau tiêm chưa có con số chính xác nhưng ước tính cũng lên đến cả trăm ca.
Tìm hiểu trong y văn của thế giới số trung tâm có thể phối hợp các chuyên khoa đủ để triển khai kỹ thuật phức tạp này để điều trị tai biến mù mắt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số ca phục hồi được một phần thị lực sau biến chứng khủng khiếp này cũng chỉ có trên dưới 10 ca. Còn số ca tắc mạch phải thông tắc đến hai lần mà vẫn hồi phục lại một phần thị lực thì chỉ có khoảng hai đến ba ca.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo, người tiêm filler nếu không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao. Chất làm đầy này sẽ theo mạch máu vào não, nếu tắc mạch não sẽ gây đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu tắc động mạch mắt, nhất là động mạch trung tâm võng mạc sẽ gây mù mắt.
Chính vì vậy, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động, tránh biến chứng có thể xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tác giả: Mỵ Châu
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam