Giáo dục

Cô gái khiếm thị giành 6 HC vàng Para Games thi THPT quốc gia

Sau khi giã từ mơ ước làm cô giáo vì đôi mắt khuyết tật, cô gái "vàng" cờ vua của TP HCM muốn vào giảng đường Đại học Kinh tế.

Tại điểm thi Colette (quận 3, TP HCM), Nguyễn Thị Minh Thư là thí sinh khiếm thị được bố trí phòng thi riêng với một giáo viên hỗ trợ. Đây là năm thứ hai cô gái 23 tuổi này tham gia kỳ thi THPT quốc gia để vào đại học.

Nguyễn Thị Minh Thư chia sẻ sau giờ thi môn Toán tại điểm thi Colette. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nguyễn Thị Minh Thư chia sẻ sau giờ thi môn Toán tại điểm thi Colette. Ảnh: Mạnh Tùng.

Năm ngoái, Thư đậu ngành Giáo dục tiểu học (Đại học Sư phạm TP HCM) với mơ ước làm cô giáo. Song, đôi mắt khiếm khuyết đã ngăn cản những nỗ lực của Thư bởi nhiều môn học của ngành Sư phạm như đọc và rèn chữ đòi hòi thị lực. "Em lại đọc chậm, nhìn không kỹ nên đành phải dừng học", Thư kể.

Năm sáu tuổi, đôi mắt Thư bắt đầu bị tổn thương, bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh teo gai thị giác bẩm sinh. Tổn thương càng nặng hơn, mắt trái của Thư sau đó bị mù hoàn toàn, mắt phải bị mất thị lực 70%.

Mất bốn năm để điều trị bệnh nên việc học của Thư bị chậm hơn so với các bạn nhưng chưa bao giờ em nghĩ đến việc ngừng học. Năm 12 tuổi, Thư mới học lớp 1 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Ở quê, ba Thư không còn khả năng lao động do bị bệnh thoái hóa cột sống và viêm gan B cấp tính nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống chỉ nhờ vào rổ nấm rơm của mẹ bán ngoài chợ nên không thể tạo điều kiện để em học cao hơn.

​Vì ở quê không có trường cấp 2 và cấp 3 cho học sinh khuyết tật nên em phải vào Sài Gòn để tiếp tục việc học ở trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. "Đọc bài, chép bài, sử dụng các thiết bị hỗ trợ học tập như máy tính tay hay vi tính của em cũng chậm hơn các bạn rất nhiều", Thư bộc bạch.

Thư luôn nhớ lời thầy khiếm thị Nguyễn Văn Long, giáo viên dạy Sử ở trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, rằng "ai cũng có số phận, bản thân mình là người thay đổi số phận, quan trọng mình có muốn hay không". Đó là động lực để Thư cố gắng từng chút một.

Suốt 12 năm học, Thư đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và Thanh niên tiêu biểu của thành phố. Ngoài thành tích học tập, cô gái này còn là thành viên của đội cờ vua thành phố. Thư giành 3 huy chương vàng và một huy chương bạc tại Para Games 8 ở Singapore, 3 huy chương vàng tại Para Games 9 ở Malaysia. Năm ngoái, cô gái "vàng" được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Minh Thư (phải) trong một giải cờ vua. Ảnh: Facebook nhân vật.

Mê kinh doanh từ những ngày theo mẹ bán bưng ở chợ, Thư quyết định thi đại học lần hai vào Đại học Kinh tế TP HCM. "Thí sinh khuyết tật chỉ được nhận vào một số ngành hạn chế, nhưng em quyết thi để thử sức và mở ra những cánh cửa mới cho bản thân", Thư nói, giọng rắn rỏi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Thư dành 8 tiếng mỗi ngày để tập trung ôn thi. Em ăn dầm nằm dề ở nhà thầy cô, chia đều các ngày trong tuần để ôn Toán, Lý, Hóa. Những ngày ôn tập, đôi mắt Thư vốn đã yếu càng thêm mỏi mệt, mắt tăng đến 2 độ sau một năm ôn tập. Nhiều lúc Thư cũng nản nhưng vì niềm tin của thầy cô và cha mẹ nên em tiếp tục "cày cuốc" để đạt điểm cao.

Sau khi hoàn thành các buổi thi, Thư đánh giá đề năm nay khó hơn năm trước nhiều, tính phân hóa cao. Buổi chiều sau giờ thi môn Toán, Thư là nữ sinh đầu tiên bước ra cổng điểm thi với nét mặt tự tin.

Nữ vận động viên cờ vua này đang nuôi ước mơ xây dựng một ngôi trường cho trẻ đặc biệt tại quê hương Khánh Hòa bởi bây giờ ở quê cũng chưa có trường để các em nhỏ theo học.

Tác giả: Nguyễn Mai - Yến Nhi

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Cô gái khiếm thị , thi THPT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP