Văn phòng công tố quận Busan (Hàn Quốc) tuyên bố bãi bỏ cáo buộc tấn công đối với một cô gái. Người này đã cắn lưỡi kẻ tấn công mình để tự vệ, trốn thoát khỏi vụ cưỡng hiếp, theo The Korea Times.
Quyết định này được cho là sẽ đặt ra tiền lệ có ý nghĩa tại Hàn Quốc - một quốc gia hiếm khi công nhận quyền tự vệ.
Kẻ đồi bại đến một sở cảnh sát ở Busan để trình báo cô gái tội hành hung. Ảnh: Hankook Ilbo. |
Ngày 19/7/2020, một nữ sinh đại học đã du lịch đến Busan cùng 3 người bạn. Khi phát hiện cô gái say xỉn và ngồi một mình bên vệ đường, một gã đàn ông khoảng 30 tuổi tiếp cận nạn nhân với ý định cưỡng hiếp cô.
Nữ sinh ngồi lên xe của hắn vì nghĩ kẻ tấn công chỉ là một tài xế taxi, theo Hankook Ilbo.
Trên đường lên núi Hwangnyeong, hắn dừng xe và cố gắng cưỡng ép nạn nhân. Nữ sinh liền chống trả, cắn đứt khoảng 3 cm lưỡi của kẻ đồi bại.
Tức giận, gã đàn ông lái xe đến đồn cảnh sát để trình báo rằng cô gái đã hành hung anh ta. Hắn khăng khăng rằng cô gái đã đồng ý cho hôn. Tuy nhiên, các bằng chứng - bao gồm hộp đen ghi âm trên ôtô - chứng minh điều ngược lại.
Các công tố viên đã xem xét bằng chứng và đưa ra kết luận rằng trước khi cưỡng hôn, gã đàn ông kia đã khống chế nạn nhân bằng băng dính. Do đó, nữ sinh hành động như vậy chỉ để phòng vệ.
Xã hội Hàn Quốc có thói quen nghi ngờ, đổ lỗi nạn nhân thay vì chú tâm vào hung thủ. Ảnh: Leun Kim. |
Trái với viễn cảnh đổ lỗi ngược cho nạn nhân thành công, hắn bị bắt và truy tố về tội tấn công tình dục.
“Cắn lưỡi kẻ tấn công là biện pháp tự vệ duy nhất trong tình huống cụ thể này. Do đó, nó không bị truy tố pháp lý”, trích văn bản của công tố viên.
Hạ nghị sĩ Jung Choun-sook từ Đảng Dân chủ - người đứng đầu Ủy ban Bình đẳng giới và Gia đình của Quốc hội Hàn Quốc - hoan nghênh quyết định của cơ quan công tố.
Bà cho biết vụ việc lần này có kết quả ngược lại những trường hợp tương tự trong quá khứ - nơi mà việc đổ lỗi ngược cho nạn nhân trở thành tiêu chuẩn.
“Đây là một vụ án có ý nghĩa khi mà sự phản kháng của nạn nhân bị hiếp dâm được coi là hành động tự vệ chính đáng”, hạ nghị sĩ Jung nói.
Lee Hyeon Sook, người đứng đầu Tổ chức giáo dục thanh viên về quyền tình dục Tacteen Naeil, cho biết xã hội Hàn Quốc có thói quen nghi ngờ nạn nhân thay vì hung thủ.
“Ở xứ sở kim chi, cáo buộc bạo lực tình dục đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng thay vì đánh giá tình hình của nạn nhân”, ông cho biết.
Chiến dịch #MeToo năm 2018 tại Hàn Quốc. Ảnh: VCG. |
Phóng viên Park Da Hae của tờ The Hankyoreh cho biết việc bắt các nạn nhân phải “chứng minh” từng bị tấn công tình dục là kỳ vọng phi thực tế. Chưa kể, Luật Hình sự Hàn Quốc chứa nhiều yếu tố giảm nhẹ bản án cho hung thủ, bao gồm say rượu, có người phụ thuộc hoặc bày tỏ sự hối hận về hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích xã hội cho rằng gốc gác của sự bành trướng tội phạm tình dục xuất phát từ hệ tư tưởng phụ hệ đã tồn tại hàng trăm năm qua tại Hàn Quốc. Nó đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nam giới nước này.
Theo đó, vị thế của người phụ nữ trong xã hội không được coi trọng. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng hai, phải hứng chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý.
Từ quấy rối nơi công sở, ngược đãi khi hẹn hò, bạo lực trong gia đình cho đến trả thù bằng video nhạy cảm và cả giết người, cách thức phụ nữ bị đối xử là một vấn đề lớn tại Hàn Quốc.
Tác giả: Hồng Chang
Nguồn tin: zingnews.vn