Tin địa phương

Chuyện chưa kể về 'mũi chông thép' bảo vệ APEC

“Chó cũng là một chiến sĩ, phải được huấn luyện và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Mình với chó là đồng đội khi tập luyện, khi chiến đấu nhưng còn phải có tình cảm anh em, gia đình mới đạt hiệu quả cao nhất”.

Tiếp cận "vật thể lạ"

Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng nằm khuất sâu trong khu vực vắng dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Hơn 10h sáng, những tiếng hiệu lệnh từ chỉ huy vẫn vang lên mạnh mẽ, dứt khoát. Từng tiếng hiệu lệnh, những chủ chó đặc nhiệm hay được gọi là “đặc khuyển” nhanh nhẹn thực thi mệnh lệnh. Nhảy qua vòng tròn lửa, chạy nhanh, ngửi vật thể lạ… là những bài tập luyện mỗi ngày nơi đây.

Những màn huấn luyện hằng ngày của biệt đội đặc khuyển

Đại úy Trần Văn Kiên, Đội trưởng Huấn luyện chó nghiệp vụ, cho biết biệt đội còn có những biệt danh khác như "vũ khí đặc biệt", "mũi chông thép"… Đại úy Kiên không ngần ngại khoe những chiến sĩ trong biên đội của mình cũng từng tham gia làm nhiệm vụ, tác chiến trong sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm qua của nước nhà: APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng.

Một tuần làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho APEC 2017, sự kiện có mặt những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới như Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Putin… có lẽ là kỷ niệm lớn nhất với chỉ huy Kiên cũng như những đồng sự “đặc khuyển”.

Anh Kiên kể biệt đội “đặc khuyển” cũng như những lực lượng khác, được chia làm 2 ca làm việc từ sáng sớm đến tận khuya.

“Mỗi ngày trực APEC được chia làm hai ca. Ca thứ nhất bắt đầu từ 0h đến 12h sau đó sẽ được thay thế. Chúng tôi và đội “đặc khuyển” nhận nhiệm vụ tuần tra dọc bờ biển quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê. Những khu vực có nhiều resort, trung tâm hội nghị là địa chỉ đỏ kiểm tra. Đó là những khu vực có nhiều hoạt động của APEC 2017 và nơi có các nguyên thủ lưu trú nên cần đảm bảo an ninh tuyệt đối.

Mỗi ca trực, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau kiểm tra thật kỹ càng, không để xảy ra một sự cố dù là nhỏ nhất. Những nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm đều được phòng ngừa ngay lập tức”, Đại úy Kiên nói.

Biệt đội đặc khuyển của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng

Đại úy Kiên cùng những đồng đội của mình đến bây giờ vẫn không thể nhịn cười khi nhắc đến sự cố “vật thể lạ" vào ngay thời điểm đón Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngày 10/11).

“Hôm đó biệt đội của chúng tôi đi tuần trên bãi biển theo nhiệm vụ thì nhận được tin báo xuất hiện “vật thể lạ” cách bờ biển khoảng 500m. Chúng tôi lập tức nhận lệnh tiếp cận, xác minh “vật thể lạ” đó để đảm bảo an ninh vì phía Mỹ yêu cầu rất cao.

Mọi người rất khẩn trương, đội “đặc khuyển” tiếp cận vật thể lạ ngay lập tức. Khi đến gần kết quả đó chỉ là khúc gỗ trôi dạt bình thường trên biển khiến tất cả mọi người đều phải bật cười. Vậy nhưng chúng tôi không coi đó là công sức phí phạm vì luôn xác định phải làm việc hết công suất. Không được bỏ qua bất cứ diễn biến nào có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của APEC 2017”, Đại úy Kiên nói.

Hoàn thành sứ mệnh ở APEC 2017, nhưng đó không phải là nhiệm vụ duy nhất mà biệt đội “đặc khuyển” từng tham gia. Đó là những nhiệm vụ vô vàn nguy hiểm khác khi đánh án ma túy, truy bắt tội phạm truy nã, săn đuổi cướp… Với mỗi nhiệm vụ được giao, đội “đặc khuyển” luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng ít ai biết rằng để đạt được điều đó thì cả người, cả chó đã phải cùng nhau đổ mồi hôi mỗi ngày trên thao trường khắc nghiệt.

Mồ hôi trên thao trường

Nhiều năm trời gắn bó với những chú chó “đặc khuyển", Trung úy Nguyễn Hữu Thứ, Đội phó huấn luyện chó nghiệp vụ - Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, hiểu rõ những người lính đặc biệt của mình.

Trung úy Thứ tiết lộ những thành viên đội “đặc khuyển” đều có nguồn gốc là giống chó Becgie có bố mẹ nhập khẩu từ Đức, được tuyển lựa kỹ càng. Hàng trăm chó con từ chó bố mẹ lại được sàng lọc cẩn thận và chỉ chọn ra số ít đủ tiêu chuẩn mới được tham gia đào tạo.

“Việc chọn “đặc khuyển” đầu tiên phải dựa vào giống. Tiếp đến, những chú chó đủ chiều cao, cân nặng, thể lực, màu sắc lông phù hợp được lựa chọn. Bước cuối cùng trước lúc vào đào tạo chính thức chính là kiểm tra thần kinh của các ứng viên. Những chú chó đáp ứng tất cả các điều kiện đó mới bắt đầu bước vào quá trình huấn luyện kéo dài từ một năm đến hai năm”, Trung úy Thứ cho hay.

Các "chiến sĩ" chó cũng được phân loại thành nhiều ngành như: phục kích, xác định nguồn hơi, cắn bắt đối tượng… Mỗi ngành có một đặc điểm riêng nhưng để đào tạo thành những “đặc khuyển” có thể làm nhiệm vụ là không hề dễ dàng.

Biệt đội đặc khuyển Đà Nẵng tuần tra biển

Theo Đại úy Kiên, mỗi chiến sĩ sẽ phụ trách huấn luyện, làm việc trực tiếp chỉ với 1 đến 2 chú chó. Người và chó sẽ bắt đầu gắn bó cùng học tập với nhau tại trường Trung cấp nghiệp vụ 24 Biên phòng trong suốt hơn 1 năm.

Trung uý Thứ đánh giá, khó nhất trong việc đào tạo “đặc khuyển” là rèn nghiệp vụ phục kích. “Những chú chó phục kích phải có thần kinh thép, chịu đựng được mọi tác động bên ngoài, những kích thích của thời tiết mà không được sủa, không được rên rỉ. Sự chịu đựng này phải kéo dài trong một thời gian dài nên đòi hỏi phải có sức khỏe rất tốt và rèn luyện nghiêm ngặt”, anh Thứ cho hay.

Những chú chó sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về các đơn vị để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc rèn luyện vẫn phải diễn ra liên tục hàng ngày bằng những bài tập. Theo Trung úy Thứ, thứ khó nhất đó là người đồng đội, người huấn luyện phải dày công, công phu, tỉ mỉ.

“Mỗi ngày “đặc khuyển” cũng phải ra thao trường như một chiến sĩ thực thụ. Những bài tập như nhảy vòng lửa, nhảy vượt chướng ngại vật, chạy… luôn phải hoàn thành tốt.

Mỗi tuần, mỗi tháng, gần chục chú chó nghiệp vụ của đội đều được huấn luyện thực tế và tích cực tham gia các vụ đánh án, tuần tra biên giới biển và bảo vệ hiện trường các vụ khám xét nhà ở, tìm kiếm vật chứng của các đối tượng ma túy… Nhiệm vụ đòi hỏi tính cơ động, bất ngờ, các đối tượng manh động nên yêu cầu tuyệt đối bí mật. Ngay cả khi đối tượng đi sát bên cạnh nhưng nếu không có lệnh, chó nghiệp vụ cũng phải đứng im", đội trưởng Kiên nói.

Theo đội trưởng Kiên, trong thực tế chiến đấu thì “một đội” chỉ có 1 chiến sĩ và 1 hoặc 2 đặc khuyển. Do vậy, giữa hai bên phải hiểu nhau như một nên đòi hỏi phải có sự thân thiết đặc biệt.

“Chó không có tư duy như người. Các phản xạ đều có điều kiện nhờ quá trình rèn luyện, tập huấn. Mình tập dần cho chó các bài tập từ thấp đến cao để nâng cao nghiệp vụ. Nhưng để cả hai có tình cảm bền chặt thì phải có sự yêu thương thật sự. Cả hai coi nhau là bạn cùng ăn chung, ngủ chung, làm việc chung. Do vậy, biệt đội đặc khuyển có rất nhiều “chiến sĩ” nhưng khi chiến đấu thường chỉ nhận lệnh từ người bạn trực tiếp của mình”, đội trưởng Kiên tiết lộ.

Tác giả: PHƯƠNG ĐIỀN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: APEC , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP