Tin địa phương

Đà Nẵng: Quy hoạch trạm BTS hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Quy hoạch mạng lưới trạm BTS tại Đà Nẵng nhằm tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng, từng bước chuyển đổi sang BTS thân thiện môi trường, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch để người dân giám sát các hoạt động liên quan đến trạm BTS.

Chiều ngày 27/3/2018, Sở TT&TT Đà Nẵng tổ chức công bố quy hoạch mạng lưới trạm BTS tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quyết định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn.

Theo ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: mục tiêu của quy hoạch mạng lưới trạm BTS là nhằm phát triển hạ tầng mạng lưới thông tin di động theo hướng bền vững, bảo đảm sự phù hợp về công nghệ, nhu cầu sử dụng thông tin di động của người dân, an toàn, mỹ quan đô thị.

Chiều ngày 27/3/2018, Sở TT&TT Đà Nẵng tổ chức công bố quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quyết định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng và giảm sự đầu tư chồng chéo; từng bước chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh sang loại thân thiện môi trường.

"Quy hoạch cũng nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý đối với các hoạt động liên quan đến trạm BTS; Công khai minh bạch với người dân về thực trạng, định hướng, lộ trình phát triển trạm BTS trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động liên quan đến trạm BTS", ông Lê Sơn Phong nhấn mạnh.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ phát triển mạng di động theo công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng và công nghệ 4G; Cấp phép xây dựng mới các trạm thu phát sóng theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn từ 2020-2025 sẽ ngừng cấp phép xây dựng đối với trạm BTS loại 1 tại khu vực nông thôn có điểm dân cư đông đúc, đồng thời chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh hiện trạng sang loại trạm thân thiện môi trường, ngụy trang. Đến năm 2025 có 400 vị trí dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các nhà cung cấp, giảm 60% số lượng trạm BTS loại 1 (so với 2017) tại các quận nội thành và khu vực tập trung đông dân.

Giai đoạn 2025-2030 củng cố và phát triển hệ thống viễn thông sẵn có phù hợp với tình hình phát triển chung, sẵn sàng đổi từ công nghệ cũ sang công nghệ tiên tiến hơn. Phấn đấu di dời, chuyển đổi 100% (so với 2017) các trạm BTS loại 1 tại các quận nội thành, các điểm dân cư đông đúc.

Quy hoạch sẽ chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh hiện trạng sang loại trạm thân thiện môi trường

Để phát triển mạng lưới trạm BTS, thành phố Đà Nẵng đưa ra các giải pháp: Xây dựng khung giá, quy chế để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng; Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ sở hữu các công trình nhà cao tầng do doanh nghiệp viễn thông thuê lắp đặt BTS; Xây dựng giải pháp cho phép doanh nghiệp viễn thông tích hợp trạm BTS vào các công trình công cộng sẵn có như cột đèn, cột quảng cáo; Tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý sai phạm; Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu liên quan đến trạm BTS, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, có phân cấp rõ ràng, quyền hạn và nhiệm vụ trong quản lý BTS giữa các sở, ngành, liên quan với quận, huyện, phường.

Đối với việc quản lý cáp viễn thông, thành phố Đà Nẵng ưu tiên việc dùng chung cáp viễn thông, hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông, đặc biệt là hạ tầng ngầm. Thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia xã hội hóa đầu tư hạ tầng cáp viễn thông, đồng thời tăng cường ngầm hóa cáp để đảm bảo mỹ quan đô thị. UBND thành phố Đà Nẵng cũng quy định rõ nhiệm vụ quản lý cáp viễn thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giảm đầu tư xã hội trong việc phát triển mạng lưới cáp viễn thông.

Tác giả: Đoàn Hạnh

Nguồn tin: ictnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP