Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 5 này, đó là "Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đề án do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Hiếm có một Đề án nào được chuẩn bị bài bản, thận trọng và công phu như Đề án về công tác cán bộ lần này. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ Trung ương tới địa phương để có Đề án cuối cùng trình Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Bắc tham gia góp ý Đề án Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ. |
25 hội nghị khắp 3 miền đất nước và hơn 800 trang tài liệu
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của 128 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề án gồm 5 phần: Mở đầu; thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá tác động khi thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị.
Quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore…
Quân ủy Trung ương tham gia ý kiến vào Đề án Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng) |
Qua các hội thảo, hội nghị và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập đã giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp trên 800 trang tài liệu kèm theo Đề án, hết sức công phu. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến hay và tâm huyết.
Tổ Biên tập xây dựng Đề án gồm đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trong đó, Thường trực Tổ Biên tập hơn 10 người, nhiều tháng nay làm việc với cường độ rất cao, liên tục 3 ca (sáng, chiều, tối), kể cả thứ 7, chủ nhật để thảo luận kỹ càng, phân tích nhiều chiều từng ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó tiếp thu những ý kiến hợp lý. Dự thảo Đề án liên tục được cập nhật sau mỗi hội nghị, hội thảo, báo cáo chuyên đề cũng như văn bản đóng góp ý kiến của các cán bộ Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học.
Vì sao phải bài bản, thận trọng, công phu?
Đề án Trung ương 7 về cán bộ là đề án lớn, rất khó và rất quan trọng. Tình hình trong nước và thế giới hiện nay đã khác rất nhiều so với 20 năm trước (sự thay đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới; cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập sâu rộng và toàn diện…) yêu cầu đặt ra là phải có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Việc xây dựng Đề án, ban hành Nghị quyết lần này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm.
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.
Đề án này cũng nhằm cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời, cũng để đồng bộ với Nghị quyết TW4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các Nghị quyết TW 5, 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Sự thận trọng, công phu khi xây dựng Đề án Trung ương 7 về cán bộ cũng bởi lẽ, công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”, “quyết định” của mọi “quyết định”, “nguyên nhân” của “mọi nguyên nhân”; sự thành công hay thất bại, thành công cao hay thấp, thất bại ít hay nhiều của sự nghiệp cách mạng, suy cho cùng do đội ngũ cán bộ quyết định.
Lần đầu tiên, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được đề cập một cách đồng bộ, toàn diện
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Nếu chất lượng đội ngũ này tốt thì cả hệ thống chính trị, cả đất nước sẽ chuyển động tích cực.
|
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. (Trong ảnh: Hội nghị Trung ương 6, khóa XII) Trước Đại hội XII, vấn đề “Cán bộ cấp chiến lược” đã được đề cập nhưng chưa nhiều, chủ yếu mới tập trung vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược - một khâu trong công tác cán bộ. Năm 2017, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược. Đề án lần này đã thẳng thắn đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Đề án này xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: Báo VOV