Tranh nhau mua đất quê với giá trên trời!
Hiện tại, giá đất ở tại các mặt bằng quy hoạch tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đang rất cao, các lô đất trúng đấu giá thường cao hơn 2 – 5 lần so với giá khởi điểm. Người người đi buôn đất, nhà nhà đi buôn đất, khiến cho cơn sốt đất tại các vùng quê của địa phương này đang “nóng” lên từng ngày.
Các địa phương sốt đất của tỉnh Thanh Hóa thời điểm hiện tại gồm các huyện Như Thanh, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Quảng Xương … Tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân vừa xảy ra một câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” khi trong các ngày 2 và 9/4, công ty đấu giá hợp danh Trọng Tín (có địa chỉ tại số 89 – Ngô Sỹ Liên – phường Tân Sơn –TP.Thanh Hóa) tổ chức bán đấu giá 46 lô đất tại Mặt bằng quy hoặc 938/QĐ- UBND ngày 2/6/2020 khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương. Có hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia đấu giá 46 lô đất trên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người dân và giới đầu cơ đất, cũng như sức “nóng” của đất ở tại xã Xuân Sinh.
Hàng nghìn người dân kéo tới UBND xã Xuân Sinh tham gia đấu giá đất. |
46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch này có giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô, nhưng được đấu giá lên tới 1 – 1,4 tỷ đồng. Hàng trăm chiếc ô tô từ khắp mọi nơi kéo về “vây kín” xung quanh UBND Xuân Sinh nơi diễn ra các phiên đấu giá đất.
Người dân địa phương và một số nhà môi giới bất động sản đều bất ngờ và không thể lý giải được cơn "sốt" đất Xuân Sinh. Tại các quán cà phê, nước chè vỉa hè, người dân thi nhau bàn tán, “đoán già đoán non” về nguyên nhân người ta đấu giá đất cao gấp 4 – 5 lên giá khởi điểm.
Tìm hiểu của PV, mặt bằng quy hoạch nơi có 46 lô đất vừa tiến hành bán đấu giá nằm cách trung tâm UBND xã Xuân Sinh hơn 1km, và nằm cách trung tâm huyện Thọ Xuân khoảng 8km.
Theo quan sát, tại mặt bằng này, người dân sống bằng nghề làm ruộng, xung quanh được bao bọc bới những ruộng lúa của dân Bột Thương. Con đường phía trước mặt bằng trên rộng khoảng 6m, giao thương chưa phát triển nếu không muốn nói là đang khá nghèo nàn.
Mặt bằng quy hoạch nơi vừa tiến hành bán đấu giá 46 lô đất với giá hơn 1 tỷ đồng/lô. |
Cạnh mặt bằng quy hoạch này, cách đây 2 năm, UBND Xuân Sinh cũng tiến hành đấu giá một số lô đất với giá khởi điểm là 140 triệu đồng/lô, nhưng không có người mua. Phiên đấu giá tiếp theo, chính quyền địa phương buộc phải giam giá “sàn” khởi điểm xuống 120 triệu đồng/lô. Và người trúng đấu giá cũng chỉ trả cao hơn giá khởi điểm chút ít để sở hữu những lô đất trên. Và cho tới nay, nhưng lô đất đã được bán đấu giá vẫn là một khu đất “hoang” khi chưa có bất kỳ một ngôi nhà hay công trình nào được xây dựng lên.
Đang làm cỏ sắn tại một lô đất cạnh mặt bằng quy hoạch nơi có 46 lô đất vừa tiến hành bán đấu giá (mượn để sản xuất), ông Ngô Đình Khoát, trú tại thôn Bột Thương rất bất ngờ khi biết tin mỗi lô đất có diện tích hơn 100m2 tại đây vừa được bán đấu giá hơn 1 tỷ đồng.
Ông Khoát đã sinh sống tại thôn Bột Thương gần 30 năm nay. Tại địa phương lâu nay việc mua bán chuyển nhượng đất ở, đất vườn chỉ diễn ra giữa người dân trong thôn, xã với nhau, với giá rất thấp. Người mua đất hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu sử dụng. Khu vực này chưa có nhà máy, khu công nghiệp, nó cách khá xa sân bay Thọ Xuân, điều kiện giao thương và kinh tế chưa phát triển.
Sau khi 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 938 được bán đấu giá lên tiền tỷ, nhiều người môi giới bất động sản kéo về thôn Bột Thương để “săn đất”. Khu đất của ông Khoát cạnh mặt đường, đối diện với các lô đất thuộc mặt bằng quy hoạch 938 nên được nhiều người hỏi mua, nhưng gia đình vẫn chưa đồng ý bán.
Cũng theo ông Khoát, bên kia mặt bằng quy hoạch nơi 46 lô đất vừa được bán đấu giá tiền tỷ là nghĩa trang của thôn Bột Thương.
Người dân tới UBND Xuân Sinh xem thông tin về các lô đất được bán đấu giá. |
Ông Lê Đức Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh xác nhận, 46 lô đất ở tại mặt bằng quy hoạch 938 thuộc thôn Bột Thương vừa được bán đấu giá xong, giá mỗi lô đất giao động từ 1 – 1.4 tỷ đồng. Ông Dũng cũng không biết chính xác lý do vì sao các lô đất tại mặt bằng quy hoạch này lại bán được giá cao, thu hút hàng nghìn người dân tham gia mua hồ sơ.
Theo ông Dũng, một lô đất tại mặt bằng quy hoạch này, giá trị chuyển nhượng trên thị trường từ 700 – 800 triệu đồng.
“Nó cạnh con đường nối trung tâm huyện Thọ Xuân lên sân bay Thọ Xuân, con đường này đang thi công. Xã Xuân Sinh là vùng phụ cận của vùng kinh tế của Lam Sơn – Sao Vàng, sân bay Thọ Xuân sẽ mở rộng và lấy một phần đất của xã Xuân Sinh. Đây là vùng kinh tế động lực của huyện nên mỗi lô đất có giá 1 tỷ đồng cũng là bình thường”, ông Dũng nhận định.
Theo ông Lê Đức Dũng, mỗi lô đất tại mặt bằng quy hoạch có diện tích 125m2, mỗi hồ sơ tham gia đấu giá phải đặt tiền cọc 45 triệu đồng. Tiền sử dụng đất phải nộp tại khu vực này được quy định là 1 triệu đồng/m2, địa phương đã định giá khởi điểm 2 triệu đồng/m2.
Dù 46 lô đất tại xã Xuân Sinh được hàng nghìn người dân chen nhau mua, giá trúng đấu giá gấp 4 – 5 lần giá khởi điểm tới mức từ 1 – 1,4 tỷ đồng/lô, nhưng chính quyền địa phương đang “nín thở” chờ tới ngày người trúng đấu giá nộp hết tiền vào ngân sách nhà nước. Vì phần lớn các lô đất tại mặt bằng quy hoạch trên đều rơi vào tay một số ít người không phải là người dân địa phương. Không loại trừ trường hợp những người trúng đấu giá sẽ “bỏ tiền cọc” nếu không huy động được vốn hoặc không tìm được người nhận chuyển nhượng.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo ngăn chặn “sốt” đất ảo.
Ngày 12/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 4692/UBND – CN về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Thời gian vừa qua, tại một số địa phương trên TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn, TX.Bỉm Sơn, TX.Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,...) đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản. Nguyên nhân có thể các nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản. Họ còn lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.
Người dân địa phương đang trồng ngô trên mặt bằng quy hoạch nơi 46 lô đất được bán đấu giá từ 1 - 1,4 tỷ đồng/lô. |
Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản.
Tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm (nếu có),… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương và đời sống của người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan …
Tác giả: Phạm Xuân Chính
Nguồn tin: nguoiduatin.vn