Tin địa phương

Chủ tịch TP. Đà Nẵng: Một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc

NhàđầutưChủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa quyết liệt và thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 14/12, phát biểu tiếp thu, giải trình tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2023 thành phố được dự báo đối mặt với những khó khăn do tác động kinh tế thế giới, sự phục hồi chưa mạnh mẽ sau dịch COVID-19, các kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã giúp TP. Đà Nẵng đạt được những kết quả quan trọng, làm tiền đề cho năm 2024.

Theo ông Chinh, quy mô nền kinh tế TP. Đà Nẵng đạt gần 135.000 tỷ đồng, mở rộng hơn năm 2022 gần 10.000 tỷ đồng. Lĩnh vục dịch vụ du lịch, kinh tế số, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn là điểm sáng.

Cùng với đó, UBND TP. Đà Nẵng đã phối hợp, tham mưu HĐND thành phố thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội nhân văn như miễn học phí, xây dựng nhà cho gia đình chính sách. Tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai. Triển khai hiệu quả chủ đề năm tập trung khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư…

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: H.G.


Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Đà Nẵng nhìn nhận, thành phố cũng còn một số chỉ tiêu, công việc chưa hoàn thành, cần tập trung giải quyết như mức tăng trưởng của thành phố chưa cao chỉ đạt 2,58%.

Đáng chú ý là một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa quyết liệt và thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc.

Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng cho biết thêm, tiến độ giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra, một số dự án chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hộ và đời sống người dân. Công tác quản lý môi trường, các khu đất trống còn hạn chế, ngập úng cục bộ còn xảy ra…

Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trong năm 2024, thành phố sẽ tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên chuyển đổi số.

Đồng thời, thúc đẩy các dự án đầu tư, đẩy mạnh thu ngân sách, giải tỏa đền bù, giải ngân đầu tư công, hoàn thành các công trình trọng điểm, động lực của thành phố. Đẩy nhanh công tác thu hút đầu tư cảng Liên Chiểu, khu công nghiệp, khu công viên phần mềm số 2...

Ngoài ra, Chủ tịch TP. Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phê duyệt, triển khai qui hoạch phân khu, chống ngập úng đô thị, quản lý quĩ đất trống, môi trường...

Đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, tình trạng 'ký gửi, ký chờ' làm méo mó thị trường bất động sản. Ảnh: T.V.

'Ký gửi, ký chờ' làm méo mó thị trường bất động sản

Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng (sáng 14/12), đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, tình trạng "ký gửi, ký chờ" trong các giao dịch bất động sản liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng diễn ra rất phức tạp, làm méo mó thị trường bất động sản của thành phố.

Thực trạng trên dễ dẫn đến thị trường bất động sản thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề.

Do đó, đại biểu Tuấn cho rằng, Sở Tư pháp phải phối hợp với Công an thành phố để có biện pháp nghiệp vụ đối với những hồ sơ "ký gửi, ký chờ" để nắm rõ hoạt động này. Từ đó có giải pháp mạnh nhằm hạn chế được vấn đề này, để thị trường bất động sản của thành phố hoạt động lành mạnh theo trật tự.

Tương tự, đại biểu Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, việc các tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn để xảy ra trình trạng "ký gửi, ký chờ" hoặc chi phần trăm hoa hồng cho các ngân hàng, dịch vụ môi giới.

Điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, việc thất thu thuế cho ngân sách thành phố và tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng Trần Thị Kim Oanh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 34 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, trong đó có 3 Phòng Công chứng, 31 Văn phòng công chứng với tổng số 79 công chứng viên đang hành nghề.

Theo bà Oanh, trước tình trạng "ký gửi, ký chờ", Sở Tư pháp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình UBND TP. Đà Nẵng ban hành quy chế phối hợp và chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn.

Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã kiểm tra 5 tổ chức hành nghề công chứng. Qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng và ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính.

"Thời gian đến, Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...", bà Oanh thông tin.

Tác giả: THÀNH VÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP