Tin địa phương

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Đừng kéo dài nỗi đau khổ của công nhân

Sáng 14-5, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đã kiểm tra tiến độ công trình nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm và Trạm dừng xe buýt liền kề trước Trung tâm hành chính Hòa Vang. Đây là 2 công trình bức thiết nhưng chậm tiến độ kéo dài khiến lãnh đạo TP rất bức xúc

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung kiểm tra tiến độ công trình nhà ở công nhân.

Từ món quà ý nghĩa...

Dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Hòa Cầm được coi là công trình điểm, là món quá ý nghĩa TP dành tặng công nhân. Theo kế hoạch, công trình hoàn thành vào ngày 29-3 vừa qua, tuy vậy đến nay vẫn ngổn ngang do nhà thầu yếu kém. Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 1 của dự án tổng kinh phí 70 tỷ đồng, gồm 3 khối nhà ở qui mô 5 tầng, hơn 7,5 ngàn m2 diện tích sàn. Trong đó sẽ có 278 phòng đơn (17m2/phòng) và 7 phòng đôi (34m2/phòng), đường giao thông nội bộ, sân chơi trẻ em, cảnh quan cây xanh... Hiện tại, nhà thầu Vinalife thi công đạt 75% giá trị công trình. Ông Hinh nói, TP yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khoảng 150 nhân lực trên công trường mỗi ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 50-100 người/ngày. BQL đã phạt nhà thầu về việc chậm trễ 200 triệu đồng và tạo điều kiện tối đa để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.

Công trình nhà ở công nhân đã trễ tiến độ 2 tháng nhưng giờ vẫn ngổn ngang.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung đặt câu hỏi, vì sao công trình không vướng giải tỏa nhưng vẫn chậm trễ? Vì sao công trình ở đây mà thiết kế nước thải dẫn xuống mãi đường Thăng Long để rồi bây giờ phải đào hố xử lý tại chỗ? Ông Hinh nói: “Cái vướng nhất hiện nay là nhà thầu giảm giá quá sâu, giai đoạn xây thô không sao nhưng khi hoàn thiện thì đuối, giờ bị âm vốn nên làm cầm chừng. Vừa rồi BQL họp đưa ra 2 giải pháp là chấm dứt hợp đồng hoặc ra tay hỗ trợ nhà thầu để hoàn thành. Hỗ trợ bằng cách tăng con người, quản lý dòng tiền, không để tiền chuyển đi Hà Nội nữa mà yêu cầu mở tài khoản tại đây để kiểm soát dòng tiền, tránh trường hợp không trả cho nhà thầu phụ, ảnh hưởng tới tiến độ”. Ông Trung đáp lại: “Cái này nếu tôi ở trong quê, kêu thợ làm 6 tháng là xong. Công trình này là Bí thư Thành ủy đi thăm công nhân, vì công nhân ở nheo nhóc, khó khăn đủ chỗ TP mới bỏ tiền đầu tư, coi là món quà ý nghĩa tặng công nhân. Món quà ý nghĩa, nhân văn là vậy, mà thi công kéo dài, chậm trễ, khác gì kéo dài sự đau khổ của công nhân”. Ông Trung tiếp tục gay gắt: “Ai đẻ ra qui chế đấu thầu. Có phải cứ bỏ thầu thấp dưới 20% rồi sau điều chỉnh lên lại trên 20% làm đội vốn công trình không? Thứ nhất, nếu nhà thầu này chấp nhận lỗ, thì DN không ra gì. Đi làm kinh doanh để mà lỗ thì không ra gì. Thứ hai, tôi sẽ ngồi ngó để rồi xem công trình này tăng vốn bao nhiêu, tôi còn làm HĐND tôi sẽ không tăng một đồng nào!”.

Chủ tịch HĐND nhắc lại, TP có hơn 75 ngàn công nhân, trong đó 45% lao động ngoại tỉnh, nhu cầu nhà ở rất lớn, do vậy công trình này được xây dựng cho công nhân ở miễn phí, chỉ thu tiền điện, nước là rất nhân văn và bức thiết, để chậm trễ ngày nào là có lỗi ngày đó. Ông Hinh cho biết, từ giờ tới cuối tháng sẽ xem xét nếu nhà thầu không có quyết tâm thi công sẽ xử lý, còn nếu cố gắng làm thì cuối tháng 6-2020 phải hoàn thành.

Trạm trung chuyển xe buýt liền kề tại Hòa Vang được thiết kế đồ sộ.

...trở thành nỗi bức xúc

Kiểm tra công trình trạm trung chuyển xe buýt liền kề tại Hòa Vang, ông Trung không chỉ bức xúc về tiến độ mà còn về công năng, hiệu quả sử dụng. Hiện 5 tuyến xe buýt liền kề từ Quảng Nam chất lượng xuống cấp, nhếch nhác, đi thẳng vào trung tâm TP, gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm khiến người dân rất bức xúc. Trong khi đó, TP đã có các tuyến xe buýt trợ giá (khoảng 84 tỷ đồng trợ giá) đảm bảo chất lượng, phủ rộng khắp TP. Việc cấm các tuyến buýt liền kề vào trung tâm TP để chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân trở lên bức thiết. Theo kế hoạch, việc này phải thực hiện trước năm 2020, tuy nhiên do chưa xây xong các trạm trung chuyển (kế hoạch xây 6 trạm, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, trước mắt xây 2 trạm tại Bến xe phía Nam và trước TTHC Hòa Vang) nên phải lùi lại tới cuối tháng 3-2020. Hiện nay đến giữa tháng 5, các trạm vẫn chưa xong, lộ trình cấm xe buýt liền kề vào trung tâm vẫn chưa được thực hiện.

Qua kiểm tra tại Trạm Hòa Vang, ông Trung bức xúc cho biết, không hiểu đây là Trạm trung chuyển hay là bến xe? Bởi vì Trạm trung chuyển thì cần san ủi mặt bằng làm chỗ dừng, quay đầu xe để khách lên xuống trong chốc lát, hoặc cố lắm làm mái che đơn giản có chỗ để ngồi chờ xe buýt. Vậy nhưng thực tế, BQL lại cho xây dựng cả trụ sở hoành tráng, tường rào cổng ngõ bao quanh y như bến xe. Ông Trung nói: Mình chỉ trông chờ có chỗ dừng nối chuyến chứ việc mua vé được thực hiện trên xe rồi. Nhưng làm trụ sở thế này thì phải có bộ máy ngồi đây, rồi ai trả tiền cho họ. Bình thường nếu đi xe buýt khách trả 5 ngàn đồng thì giờ phải thu lên 7 ngàn đồng để trả cho bộ máy ngồi tại đây. Ông Trung đặt câu hỏi: Phải chăng lộ trình cấm xe buýt liền kề vào trung tâm chậm do phải chờ tiến độ xây dựng các Trạm trung chuyển với công trình đồ sộ thế này? Theo ông Trung, HĐND TP sẽ tiến hành giám sát rất kỹ cả về tiến độ, công năng của các công trình Trạm trung chuyển thế này!

Tác giả: HẢI QUỲNH

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP