Kinh tế

Chủ mới của Bia Sài Gòn đang vực lại sá xị Chương Dương?

Chuỗi ngày thua lỗ của sá xị Chương Dương có thể được chặn lại khi nhóm tỷ phú Thái đang có động thái can thiệp mạnh vào chiến lược của thương hiệu này, sau khi thâu tóm Sabeco.

Sau một thời gian dài bị Sabeco (sở hữu 62% cổ phần) bỏ rơi trong chiến lược, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang cho thấy dấu hiệu sẵn sàng khôi phục lại thời hoàng kim của sá xị Chương Dương.

Bị bỏ rơi trong chiến lược

Sabeco sở hữu Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (sá xị Chương Dương) từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006 đến nay (khi đó là 51% và hiện tại là 62%). Nhân sự của Sabeco nắm giữ hầu hết vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Chương Dương. Vì vậy, có thể coi những chiến lược của hãng nước giải khát này đều là của Sabeco.

Tuy nhiên nhiều năm tham gia vào Chương Dương, dường như Sabeco chưa để lại dấu ấn gì trong điều hành, phát triển. Trước việc các tập đoàn đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp nội liên tục mở rộng đầu tư, quảng bá sản phẩm, xây nhà máy, Chương Dương gần như là một “ông già” 60 năm tuổi nhưng chưa chịu lớn, vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 85 tỷ đồng kể từ khi niêm yết.

Nước giải khát Chương Dương hoạt động cầm chừng 10 năm dưới bóng Sabeco.

Suốt 10 năm qua, lợi nhuận hàng năm không nhiều, nhưng Chương Dương vẫn chia cổ tức đều đặn. Sabeco vẫn giữ cho sá xị Chương Dương tồn tại, nhưng rõ ràng về dài hạn, công ty khó có tương lai tốt đẹp hơn nếu không có bệ phóng tăng trưởng mới. Năm 2017, lần đầu tiên doanh nghiệp đối diện với khoản lỗ gần 3 tỷ đồng.

Trong các ĐHCĐ trước, lãnh đạo công ty thừa nhận vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000, nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Khó khăn tiếp theo của doanh nghiệp là nguồn ngân sách tiếp thị yếu, chiến lược phân phối và bán hàng nhiều lỗ hổng... Ngoài ra, áp lực cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn trong ngành nước giải khát đang rất căng thẳng, khiến tình hình kinh doanh của công ty thêm khó khăn.

Một ý do khác khiến cho Chương Dương bị bỏ mặc trong chiến lược phát triển chung, là quá trình thoái vốn Nhà nước ở Sabeco diễn ra khá lâu.

Tiềm lực của Chương Dương là rất lớn, từ kế hoạch mở rông thị trường tới những dự án đầu tư cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên với những dự án đầu tư mới, Chương Dương vẫn chờ Sabeco quyết định.

Suốt thời gian qua, quyết định mang tính chiến lược lớn nhất Sabeco dành cho Chương Dương không phải là kinh doanh đồ uống mà lại là bất động sản.

Cụ thể từ năm 2006, Sabeco đã đồng ý cho Chương Dương hợp tác với nhà đầu tư bên ngoài khai thác khu đất 606 Võ Văn Kiệt ở quận 1 (diện tích khoảng 20.000 m2). Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện được vì khó khăn trong xin điều chỉnh quy hoạch, theo lý giải của Chương Dương.

Người Thái can thiệp để “thức tỉnh” Chương Dương?

Bị lãng quên trong thời gian khá dài, nhưng đến khi người Thái vào tiếp quản Sabeco thì mảng giải khát của Chương Dương lại được để ý rất nhiều.

Động thái đầu tiên của Sabeco với Chương Dương trong nhiệm kỳ lãnh đạo mới chính là ép doanh nghiệp này phải chia cổ tức năm 2017.

Phía Chương Dương dù có giải trình bị thua lỗ hơn 2,7 tỷ đồng trước thuế nên không thể trích quỹ chia cổ tức 20% theo kế hoạch, trong khi đó, lợi nhuận chưa phân phối cũng không còn, Sabeco vẫn cứng rắn yêu cầu thanh toán cổ tức, buộc ban điều hành doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông chuyển 104 tỷ đồng từ nguồn quỹ đầu tư phát triển tích lũy đến hết năm 2017, sang nguồn lợi nhuận chưa phân phối để trả cổ tức.

Thương hiệu Chương Dương có thể được người Thái đánh thức.

Chuyên gia thương hiệu Trần Việt Tiến nhận định: “Đây là tác động có phần thô bạo, nhưng có thể Sabeco muốn tạo một sức ép cần thiết để Chương Dương có động lực phát triển lớn hơn trong những năm tiếp theo”.

Sau khi tạo sức ép lên động lực tăng trưởng, có thể tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ can thiệp trực tiếp vào nhân sự, cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động. Việc sở hữu những doanh nghiệp đồ uống hàng đầu châu lục là Thaibev và F&N giúp tỷ phú này có kinh nghiệm nhìn ra tiềm năng của Chương Dương, để khôi phục vị thế của thương hiệu vang bóng một thời này.

Nhóm nhà đầu tư mới này còn quyết liệt đến mức yêu cầu Chương Dương tạm hoãn đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 27/6 sang 19/9. Động thái này được cho có thể để HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ được kiện toàn trong đại hội lần này, và nhiều khả năng những nhân sự có kinh nghiệm thị trường, vốn, công nghệ đồ uống sẽ ngồi vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP