Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, trong đó có Nghệ An trời sẽ chuyển rét, với nhiệt độ phổ biến 14 -17oC, đặc biệt vùng núi có rét đậm từ 10 - 13oC, vùng núi cao 6 - 9oC. Điều này cũng cảnh báo về công tác bảo vệ đàn gia súc, nhất là đối với các địa bàn miền núi. Thời điểm này, nhiệt độ chưa xuống quá thấp nhưng đã có những thiệt hại ban đầu đối với các hộ dân.
Ở các huyện vùng núi cao vào thời điểm này, nhiệt độ ban ngày ấm nhưng ban đêm và về sáng thường xuống khá thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ này khiến đàn vật nuôi không kịp thích nghi, dễ bị chết do giá rét.
Mới nhân giống và nuôi đàn dê 9 con khoảng gần 4 tháng nay, nhưng cách đây gần 1 tuần, gia đình anh Lô Văn Sự ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đã chịu thiệt hại khi con dê trên 31kg chết do rét. Tính ra gia đình anh đã mất gần 4,5 triệu đồng – tương đương với khoản thu nhập hơn 1 tháng từ làm nương rẫy, đi rừng của gia đình. Mặc dù chuồng nuôi dê đã được gia đình che chắn cẩn thận từ đầu mùa. Anh Sự nói: Con dê chết do rét thôi. Bởi vì đang ăn, đi lại thoải mái, chập tối 8 – 9h đang vàochuồng bình thường. Đến 1h sáng, trời lạnh con dê kêu rồi không thấy dấu hiệu chi cả.
Ở các huyện vùng núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, vào thời điểm này của mùa đông, nhiệt độ ban ngày ấm nhưng ban đêm và về sáng thường xuống khá thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, nên vật nuôi không kịp thích nghi, dễ bị chết do giá rét. Đặc biệt là đối với đàn gia súc được bà con chăn nuôi theo tập quán thả rông trong rừng, trên nương rẫy.
Với tập quán chăn thả trên nương, rẫy, nếu không lùa đàn vật nuôi kịp thời tránh rét sẽ dễ gây ra thiệt hại lớn cho người nông dân
Chưa phải là địa bàn vùng núi cao nhưng đợt rét cuối năm 2015 đầu năm 2016, xã Tam Thái – Tương Dương cũng đã có trên 25 con trâu bò bị chết do rét. Ông Vi Việt Kiều – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái - huyện Tương Dương cho biết: Năm ngoái, đợt rét đã làm nhiều gia súc bị chết. Các đối tượng này thường bị chết trong rừng. Đây cũng là lý do để xã tuyên truyền để bà con đưa gia súc về nhà để chăm sóc.
Ở vùng khí hậu khắc nghiệt như xã Mường Lống – Kỳ Sơn, gia đình anh Vừ Giống Và được biết đến là một trong số ít các hộ chăn nuôi khá bài bản, với tổng đàn trâu bò 45 con. Trang trại cách gia đình gần nửa ngày đi bộ. Vì chăn nuôi lớn nên anh đầu tư làm chuồng trại có quy mô, che chắn cẩn thận. Trong đợt băng giá của mùa đông đầu năm 2016, gia đình anh cũng đã bị thiệt hại khá lớn. Anh Và có nhiều trâu bò, thả ở 3 trại. Mặc dù đã làm trang trại, che chắn cẩn thận, nhưng do đi không kịp đã làm chết 6 con bò.
Anh Vừ Giống Và ở Mường Lống -Kỳ Sơn làm chuồng che chắn cẩn thận cho đàn trâu bò
Có thể nói, dù được đầu tư quy mô, áp dụng đầy đủ các quy trình trong chăn nuôi nhưng giá rét, nhiệt độ xuống thấp thì thiệt hại đều có thể xảy ra đối với đàn gia súc của các huyện miền núi cao. Điều lo lắng nhất là tâm lý chủ quan của người dân khi vẫn còn tình trạng chăn nuôi thả rông trên rừng tại thời điểm này.
Theo ông Lô Khăm Kha – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Tương Dương, các xã chưa bị thiệt hại do rét đậm, rét hại năm ngoái, họ vẫn đang còn chủ quan. Cứ nghĩ đơn giản, cứ chờ khi rét rồi mới chuẩn bị, khi đó cũng đã quá muộn. Do vậy, việc tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân là quan trọng nhất và huyện cũng đang tập trung chỉ đạo.
Theo dự báo, năm nay, mùa đông sẽ tiếp tục diễn ra khắc nghiệt, còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, thậm chí có băng giá như năm ngoái. Với diễn biến khí hậu bất thường như hiện nay, công tác phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc nếu không được các địa phương vùng cao đẩy mạnh và người dân không thực hiện kịp thời, đúng quy trình thì thiệt hại về kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi.
Tác giả bài viết: Thái Dương – Hữu Song