Thể thao

Chờ bầu Đức vực dậy HAGL

Năm 2015 khi giới hâm mộ cả nước đang rất hưng phấn với lứa 1 Học viện HAGL-JMG, tôi đã “đánh cược” với các đồng nghiệp rằng HAGL giỏi lắm chỉ có thể vào tốp 6 V-League

HAGL gục ngã trước chủ nhà Hà Nội trên sân Hàng Đẫy chiều 6/6 ảnh: NHƯ Ý

Kết quả cuối mùa giải trên, đội bóng của bầu Đức phải chờ tới những vòng đấu cuối để có thể trụ hạng. Bóng đá ngoài chuyện được ăn tập, huấn luyện bài bản thì kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, thích ứng và chiến đấu rất quan trọng. Cái đó chỉ có thể được rèn luyện qua thực tế thi đấu, truyền dạy của lứa đàn anh.

Tuy nhiên đấy là ở mùa giải đầu tiên, đằng này đã bước qua mùa giải thứ 6, HAGL vẫn đang chơi vơi ở V-League, chưa nhìn thấy hướng đi. Nếu nhìn vào quá khứ lừng lẫy của đội bóng phố núi, những gì diễn ra ở V-League 5 mùa giải qua thực sự đáng buồn. HAGL từng có lúc đánh bại Hà Nội tới 4-1 ở Pleiku (năm 2010), hoặc “đánh sập” đối thủ ngay tại Hàng Đẫy với lứa Lee Nguyễn.

Tuấn Anh vẫn đang là tiền vệ tài hoa hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện nay và năng lực của anh được khẳng định ở đội tuyển Việt Nam. Khó cầu thủ nào sở hữu kỹ thuật điêu luyện, lối chơi hào hoa nhưng cũng rất hiệu quả, khả năng thoát pressing giỏi như Tuấn Anh. V-League cũng hiếm tiền đạo nào có tốc độ, bứt tốc trong khoảng ngắn như Văn Toàn. Đội hình HAGL sở hữu 5-6 cầu thủ khác đều từng thuộc biên chế các ĐTQG. Điều gì khiến những cầu thủ trên trở nên rời rạc, mất lửa khi trở về khoác áo HAGL thi đấu ở V-League?

Tình hình tài chính khó khăn của HAGL được cho là một trong những nguyên nhân tác động tới tâm lý các cầu thủ. Nhưng phải giải thích thế nào khi những ngoại binh như Rimario rời HAGL thì lập tức toả sáng, hay như HLV Chung Hae Seong, đang làm rất tốt công việc ở phố núi bỗng chuyển tới TP Hồ Chí Minh và tiếp tục thành công? HAGL là đội bóng có sự biến động nhiều nhất trên băng ghế huấn luyện và ngoại binh các năm qua. Nó phần nào cho thấy sự thiếu ổn định của đội bóng.

Mùa giải trước bầu Đức từng tuyên bố HAGL chỉ đá V-League “cho vui” khi đầu tư mấy cũng không thể vô địch. Có thể hiểu ông Đức đưa ra phát biểu trên chỉ bởi bức xúc với tình trạng một ông chủ chi phối tới nhiều đội bóng, làm giảm tính cạnh tranh, chất lượng V-League, ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng đấy chắc chắn không thể là lý do giải thích cho sự sa sút của HAGL các mùa giải qua. Tuyên bố “đá cho vui” của bầu Đức vô tình khiến HAGL đánh mất phương hướng phát triển.

Thua nhiều, nhưng HAGL vẫn đang có nhiều CĐV song hành, đó là thứ tài sản vô giá không phải đội bóng nào cũng có. Ngay cả CLB Hà Nội trước đây từng đoạt vô số danh hiệu nhưng phải chờ tới hiệu ứng U23 Việt Nam trên đất Thường Châu, sân Hàng Đẫy mới có khán giả. Ở trận thua 0-3 hôm 6/6, nhiều CĐV HAGL đã cất công bay từ TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng ra chỉ để cổ vũ đội bóng của mình thi đấu.

Bầu Đức từng tuyên bố khó khăn mấy cũng không bỏ bóng đá. Bóng đá tạo nên thương hiệu của HAGL và cũng nhờ bóng đá, bầu Đức mới được nhiều người biết tới, được các CĐV yêu mến như hiện nay. HAGL cần được nuôi đàng hoàng, thay vì lay lắt như suốt giai đoạn vừa qua. Đấy có lẽ là mong muốn lớn nhất của các CĐV HAGL vào lúc này. Và ở HAGL, không ai có khả năng đó ngoài bầu Đức.

Tác giả: NGUYÊN PHONG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: HAGL , Bầu Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP