Kinh tế

Chịu thuế 7,74 USD một ký, cá tra nguy cơ mất thị trường Mỹ

Hai bị đơn từ Việt Nam sẽ chịu thuế chống bán phá giá 7,74 USD một kg cá tra khi bán vào Mỹ, các công ty khác chịu 3,78 USD, "tương đương giá bán".

Với mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục, thị trường Mỹ ngày càng khó khăn cho cá tra Việt Nam - Ảnh: TL

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016) với mức thuế cao kỷ lục.

Theo đó hai bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong đợt xem xét lần này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế chống bán phá giá ở mức 7,74 USD/kg.

Đây là mức thuế chống bán phá giá áp cho cá tra Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế 3,78 USD/kg.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là kết quả gây sốc cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vì mức thuế 3,78 USD/kg gần tương đương với giá cá tra đang xuất khẩu vào Mỹ hiện tại.

Theo ông Hòe, nếu phải chịu mức thuế này thì doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong thời gian sắp tới.

Riêng với trường hợp thuế của hai bị đơn bắt buộc cao gấp đôi so với thuế suất chung, ông Trương Đình Hòe cho biết thông tin sơ bộ là DOC áp thuế do có những vấn đề không minh bạch về thuế với các công ty nói trên.

Hiện VASEP và các doanh nghiệp đang làm việc với luật sư để phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến việc DOC đưa ra mức thuế quá cao nói trên để có những phản ứng tiếp theo.

Cách đây hơn 6 tháng, DOC cũng đã áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ với cá tra Việt Nam ở POR13 là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã gặp khó khăn nhiều hơn trong 2 năm trở lại đây khi mức thuế chống bán phá giá liên tiếp tăng cao cùng với các hàng rào kỹ thuật khác.

Dù có tổng số 62 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng thực tế có chưa tới 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và chỉ có 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu đáng kể.

Một số ít doanh nghiệp có được mức thuế suất thấp thì lại phải đối mặt với rào cản kỹ thuật trong Đạo luật Nông trại của Mỹ, tức chương trình Farm Bill.

Theo đó, kể từ từ ngày 2-8-2017, Cơ quan thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ tại các I-house.

Việc kiểm tra các lô hàng của FSIS khiến cho hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ của các doanh nghiệp gặp khó khăn do phát sinh chi phí và thời gian cho việc tái kiểm tra tại Mỹ.

Tác giả: TRẦN MẠNH

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP