Tin địa phương

Chi phí logistics tăng vọt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đà Nẵng rơi vào thế khó

Thời gian gần đây, chi chi logistics liên tục tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng vừa lo chống dịch COVID-19 vừa phải nỗ lực để đảm bảo sản xuất an toàn, duy trì được chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, riêng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chịu thêm một khó khăn nữa đó là chi phí logistics tăng mạnh, đặc biệt là hàng hóa đi EU và Hoa Kỳ.

Tại Công ty TNHH Sản xuất – Chế biên – Kinh doanh – XNK Hương Quế chuyên xuất hàng đi thị trường Đức (EU), cước vận chuyển cao đẩy giá thành sản phẩm lên cao, điều này khiến cho các đối tác của công ty phải tạm dừng nhập, giãn đơn hàng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Chế biên – Kinh doanh – XNK Hương Quế cho biết, với chi phí logistics 1 container hàng từ Đà Nẵng đi Đức đã leo thang tăng tới 700%, từ 1.000 USD đến 7.000 USD chỉ trong vòng hơn 7 tháng qua. Việc cước vận chuyển cao đẩy giá thành sản phẩm lên cao, sức mua vì vậy cũng bị giảm đi. Đặc biệt, phí vận chuyển cao buộc công ty phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Tương tự, Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cũng đi thị trường EU hiện cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho biết, hiện nay container hàng đi EU gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt có khi không có container hàng nên đơn hàng phải giãn tiến độ. "Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, các đối tác cũng thông cảm. Tuy nhiên nếu kéo dài thời gian vận chuyển hàng thì sẽ "thiệt hại kép" cho doanh nghiệp, thậm chí là mất đi khách hàng", ông Trinh nói.

Chi phí logistics ở mức cao, doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đà Nẵng gặp khó. Ảnh: Thành Vân.


Việc tăng cước phí vận chuyển gấp nhiều lần đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó làm giảm doanh số xuất khẩu. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, sản phẩm của công ty hiện đang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Dịch COVID19 cộng với sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez (hồi cuối tháng 3/2021) đã làm gia tăng áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Theo ông Nhựt, trước đây, 1 container hàng của DRC đến bang Florida (Hoa Kỳ) chỉ mất chi phí khoảng 4.000 USD. Tuy nhiên, con số này hiện tại đã tăng gấp đôi, lên đến 8.000 USD, những bang của Mỹ khác chi phí cũng tăng tới 50%.

"Chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng rất đơn đến đơn vị đối tác tiêu thụ. Hiện nhà tiêu thụ rất lo ngại, chi phí vận chuyển cao làm đội giá thành sản phẩm khiến sức tiêu thụ chậm lại. Trước nhiều khó khăn, chúng tôi đang có các chính sách hỗ trợ thêm cho phía đối tác. Tuy nhiên, về lâu dài thị trường truyền thống đang có nhiều lo ngại", ông Nhựt cho hay.

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, mà doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang chịu áp lực của chi phí vận chuyển. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long cho biết hiện công ty đang chịu mức giá nhập nguyên liệu đầu vào (từ Hoa Kỳ) ở mức cao.

“Khoảng cuối năm 2020, chi phí logistics cao là do khủng hoảng thiếu container vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các thị trường của thế giới. Hiện tại thị trường Trung Quốc đã ổn, tuy nhiên các hãng vận chuyển vẫn không có ý định giảm mức phí”, ông Thống nói.

Khi chi phí vận chuyển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất, để giảm đến mức tối đa việc phải tăng giá thành sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp và đối tác đã cùng nhau đàm phán và chia sẻ một phần gánh nặng chi phí vận chuyển để đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng hướng đến tìm kiếm thêm thị trường mới, đối tác mới để tăng đơn hàng; một số khác thì đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để bù đắp doanh thu.

Ngày 27/5, chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu - Drewry World Container Index cho thấy chi phí vận chuyển hàng container bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu tăng trên 10.000 USD, một con số kỷ lục và cho thấy khó khăn quá lớn mà các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đang đối mặt.

Drewry World Container Index là chỉ số giá cước vận tải biển của 8 tuyến chính trên toàn cầu. Số liệu cho thấy, toàn bộ chỉ số tăng 2% trong tuần qua, lên mức 6.257 USD, cao hơn 293% (gấp gần 4 lần) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác giả: Thành Vân

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP