Nhu cầu về tinh trùng Mỹ đang tăng cao. Ngoài ra, tinh trùng từ Đan Mạch cũng được phụ nữ khắp thế giới đón nhận. Các chuyên gia nhận xét rằng tinh trùng từ 2 nước này hiện thống trị thị trường toàn cầu bởi có nguồn cung lớn nhất.
Ẩn danh hay không?
Không rõ liệu sự ganh đua của họ có nghiêm túc hay không nhưng cả Ngân hàng Tinh trùng California Cryobank (CCB - Mỹ) và Ngân hàng Tinh trùng quốc tế Cryos (Đan Mạch) đều khẳng định "kho sản phẩm" của họ lớn nhất thế giới. CCB tự nhận là ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới dựa theo bất kỳ thước đo nào. Ông Scott Brown, Giám đốc trải nghiệm khách hàng, lưu ý rằng ngân hàng có khoảng 600 người hiến tặng và khoảng 75.000 em bé chào đời trên toàn cầu từ năm 1977 nhờ dịch vụ của họ.
Không chịu thua, Ngân hàng Cryos được cho là đang "làm vua" thị trường châu Âu. "CCB là ngân hàng tinh trùng lớn nhất Mỹ nhưng chúng tôi đè bẹp họ trên phạm vi thế giới. Riêng ở châu Âu, chúng tôi có gần 1.400 người hiến tặng tích cực; ở Mỹ có khoảng 200 người hiến tặng. Chúng tôi bán sản phẩm cho khách hàng tại trên 100 quốc gia khắp thế giới. Chúng tôi đang làm chủ thị trường ở châu Âu" - ông Corey Burke, Giám đốc văn phòng ở bang Florida của Ngân hàng Cryos, khoe với Báo The Guardian. Ông Sebastian Mohr, chuyên gia Trường ĐH Karlstad và là tác giả một cuốn sách viết về các ngân hàng tinh trùng Đan Mạch, cho biết khoảng 90% tinh trùng hiến tặng ở nước này đến với khách hàng ở các quốc gia châu Âu khác.
Một lý do khiến Mỹ và Đan Mạch dẫn đầu thị trường tinh trùng toàn cầu là luật pháp các nước này còn cho phép giữ kín tên người hiến tặng - theo ông Ayo Wahlberg, chuyên gia về nhân loại học tại Trường ĐH Copenhagen. Trong lúc hầu hết quốc gia châu Âu không cho phép điều này thì Đan Mạch vẫn đi ngược xu hướng chung.
California Cryobank tự nhận là ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới theo bất kỳ thước đo nào Ảnh: EGG DONATION FRIENDS |
Mỹ không hạn chế
Dù vậy, CCB trong năm nay đã thay đổi chính sách, chỉ nhận những trường hợp hiến tặng tinh trùng chấp nhận không ẩn danh. "Lúc này, sẽ là phi thực tế nếu nói với người hiến tặng rằng ông ta có thể ẩn danh" - ông Brown ở CCB giải thích về bước đi này. Lâu nay, các cặp vợ chồng khác giới có xu hướng ủng hộ hiến tặng ẩn danh. Tuy nhiên, với những cặp đồng tính nữ hoặc người phụ nữ sống đơn thân muốn có con, việc nhờ cậy người hiến tặng là chuyện đương nhiên. Khi đó, những khách hàng này và con cái của họ thường tò mò về nhân thân của người hiến tặng tinh trùng.
Số liệu mới của CCB cho thấy có 308 người hiến tặng tinh trùng ẩn danh; 116 người đồng ý liên lạc qua trung gian ngân hàng và 134 người đồng ý liên lạc trực tiếp. Đáng nói là, trong tất cả trường hợp, mối quan hệ được khởi đầu bởi con cái chứ không phải người hiến tặng.
Một yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nói trên là quy định của pháp luật về việc người hiến tặng có thể "cung cấp" tinh trùng cho bao nhiêu gia đình. Chẳng hạn ở Anh, một người chỉ có thể hiến tặng cho 10 gia đình trong nước. Trong khi đó, một người có thể giúp tối đa 12 gia đình ở Đan Mạch có con. Riêng nước Mỹ không hạn chế số lượng gia đình có thể sử dụng tinh trùng của một người hiến tặng.
Tiền bạc cũng tác động đến nguồn cung tinh trùng. Ở Mỹ, Đan Mạch và Trung Quốc (quốc gia này cũng có một ngân hàng tinh trùng lớn nhưng không xuất khẩu), những người hiến tặng được trả những khoản tiền nhất định (dao động từ 30-130 USD/mẫu tinh trùng). Tuy nhiên, Anh, Canada, Úc và nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cấm trả tiền cho người hiến tặng. Một yếu tố khác là công nghệ. "Việc xét nghiệm và kiểm tra ở Mỹ tiên tiến hơn nhiều" - ông Fredrik Andreasson, Giám đốc tài chính Ngân hàng Tinh trùng Seattle, đánh giá.
Nước Mỹ hiện thiếu luật lệ thống nhất về vấn đề hiến tặng tinh trùng. Nhà xã hội học Rene Almeling của Trường ĐH Yale cho biết chính phủ Liên bang Mỹ không có bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến chuyện hiến tặng trứng và tinh trùng, ngoại trừ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm yêu cầu các ngân hàng tinh trùng xét nghiệm bệnh truyền nhiễm.
Dù vậy, theo bà Almeling, không có yêu cầu nào về việc xét nghiệm di truyền. Ngoài ra, Mỹ không có quy định về tần suất hiến tặng, số tiền người hiến tặng nhận được hoặc bao nhiêu đứa trẻ có thể sinh ra từ một người hiến tặng. Điều này hoàn toàn khác tại Pháp, nơi quy định chỉ có các cặp đôi khác giới mới có thể nhận tinh trùng, trong lúc phụ nữ độc thân hoặc cặp đôi đồng tính nữ thì không được. Ngoài ra, quốc gia châu Âu này có một ngân hàng tinh trùng do nhà nước quản lý nên họ biết rõ số lượng người hiến tặng, tần suất hiến tặng của họ, có bao nhiêu bé ra đời và bé nào bị khiếm khuyết gì…
Tác giả: NGÔ SINH
Nguồn tin: Báo Người lao động