Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Nam |
Phải quyết liệt chống chạy chức, chạy quyền. Nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực nhưng trong hệ thống pháp luật, để xử lý loại tham nhũng đặc biệt này gần như đang là khoảng trống, coi câu chuyện chạy chức, chạy quyền như là việc của Đảng, của Ban Tổ chức, UB Kiểm tra. Theo tôi, phải bỏ tù những người chạy chức chạy quyền, đưa họ ra toà, tịch biên tài sản bất chính có được từ chạy chức, chạy quyền. Phải có thiết chế để các cơ quan công quyền chủ động chống chạy chức, chạy quyền, bất kể đó là ai. Như vậy mới làm người ta sợ, không dám chạy chức, chạy quyền. |
Chạy chức như 1 kênh đầu tư siêu lợi luận
Một số vụ việc xử lý cán bộ vừa qua liên quan đến công tác cán bộ như vụ luân chuyển Trịnh Xuân Thanh, bổ nhiệm thần tốc bà Quỳnh Anh ở Thanh Hoá, vụ Nguyễn Xuân Anh… Theo ông liệu đã giải đáp được câu hỏi của Tổng bí thư đặt ra: “Ai chạy, chạy ai”?
Tôi cho rằng, một số vụ việc vừa rồi đã tạo ra những chuyển biến tích cực, trước hết là chuyển biến về mặt nhận thức. Qua các vụ việc này, cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cấp đã ít nhiều nhận thức rõ thực trạng hơn. Từ đó, đòi hỏi họ phải có những thay đổi trong cách làm để ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền trong nội bộ các cơ quan Đảng và nhà nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đấy chỉ là xử lý những bộc lộ của tình trạng đang rất nghiêm trọng ở một số vụ việc cụ thể để chứng minh rằng đánh giá của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo là đúng đắn. Chạy chức chạy quyền không chỉ là dư luận mà là những vụ việc cụ thể, bằng những con người cụ thể.
Qua đó, thấy rõ tính chất nghiêm trọng của nạn chạy chức, chạy quyền. Còn nguyên căn gốc rễ, những vấn đề sâu xa, căn bản tôi nghĩ vẫn đang ở phía trước.
Có ý kiến cho rằng, việc chạy chức, chạy quyền hiện nay không chỉ dừng ở việc “mua quan, bán chức” mà đã lên đến cấp độ mới, như ông viết trên facebook của mình, nhiều người gọi là “đấu thầu” ghế, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Điều này cho thấy tình trạng chạy chức, chạy quyền càng trầm trọng hơn. Lúc đầu người ta bỏ tiền ra mua được một chức vụ mà họ mong muốn để đạt nhiều mục đích cá nhân.
Nhưng đến khi có nhiều người cùng mong muốn và sẵn sàng bỏ tiền để vào 1 chức vụ nào đó bằng tiền, bằng quan hệ, tình cảm, khi đó cuộc chơi đã trở thành 1 cuộc “cạnh tranh”, “chạy đua” trong bóng tối, ai mạnh hơn thì người ấy thắng.
Nói theo hình ảnh của kinh tế học, đó là 1 cuộc “đấu thầu”. Đây là cách thức mô tả về nạn chạy chức, chạy quyền ở một mức độ dù không công khai nhưng cũng không còn giấu giếm nữa.
Ở đây có câu chuyện mà trên diễn đàn QH đã nói rất nhiều lần, đó là người ta coi việc chạy chức, chạy quyền, đấu thầu chức quyền như 1 kênh “đầu tư” thu về lợi nhuận khủng khiếp.
Không nên khép kín trong Đảng
Theo ông, bản thân chức, quyền có đẻ được ra nhiều tiền và lợi lộc để khiến cho nhiều người chọn làm một kênh để “đầu tư” như thế?
Về mặt bản chất, chức quyền không đẻ ra tiền. Chức quyền tạo ra quyền lực không phải của riêng ai mà đấy là quyền lực của dân, của Đảng, của Nhà nước trao cho 1 người cụ thể nào đó. Thế nhưng họ đã biến tấu, làm tha hoá chức quyền ấy để đẻ ra tiền.
Khi quyền lực bị tha hoá thì tự nhiên chức quyền lại đẻ ra tiền và có nhiều chức vụ trở thành cái ghế siêu lợi nhuận. Khi họ đã ngồi vào cái ghế ấy, chẳng cần làm gì, tự nhiên tiền cứ đến.
Do đó nó trở thành một kênh “đầu tư” siêu lợi nhuận, thậm chí không phải đau đầu, nhức óc, mất ăn, mất ngủ để tính toán kinh doanh.
Ông có hiến kế gì giúp Tổng bí thư và Ban Tổ chức TƯ trị được tệ nạn chạy chức, chạy quyền?
Với đề án của Ban Tổ chức TƯ đưa ra, trước hết, tôi thấy được mong muốn và quyết tâm đổi mới và nhân dân, cán bộ, đảng viên rất hoan nghênh.
Theo tôi trước hết về công tác cán bộ phải thực sự công khai, minh bạch. Phải lấy bầu cử, thi cử là một trong những giải pháp căn bản trong bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu cán bộ ứng cử. Lựa chọn nhân sự phải rộng rãi và không nên khép kín trong Đảng để chọn được người tài đảm nhận các chức vụ.
Phải có giải pháp đột phá dựa vào dân để chống chạy chức, chạy quyền. Nói gì nói thì nói, chức quyền là của dân, chả phải riêng của ai, kể cả Đảng cũng là được dân uỷ nhiệm và thực hiện theo quyền lực của người dân.
Ví dụ như chúng ta có các cơ quan dân cử, vậy phải làm thế nào để những quyết định nhân sự của các cơ quan QH, HĐND phải là những quyết định quyền lực thật sự. Sự cạnh tranh, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự không chỉ bộc lộ trong Đảng mà phải bộc lộ trước QH, HĐND.
Nếu Đảng đổi mới công tác cán bộ thì Đảng vẫn thực hiện được quyền lãnh đạo của Đảng nhưng vẫn phát huy được quyền lực của cơ quan dân cử trong quyền thực hiện công tác cán bộ.
Hay dựa vào MTTQ và các đoàn thể, làm thế nào để họ tham gia bàn bạc, giám sát nhân sự một cách thực chất trước khi Đảng hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định nhân sự.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet