Anh Lê Ngọc Thuận (bên trái) là người có công lớn phát triển du lịch, làm giàu cho làng chài ven biển An Bàng. Ảnh: Thanh Trần. |
Từ chạy bữa đến thu tiền đô
Con đường dẫn vào làng biển An Bàng nườm nượp hàng quán, dịch vụ lưu trú với các biển hiệu cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài, du khách có mặt khắp nơi. Chẳng ai ngờ 6 năm trước, đây là vùng biển nghèo xác xơ. Giới thiệu với chúng tôi các homestay trong làng, bà con không quên nhắc đến anh Lê Ngọc Thuận, người đã “đánh thức làng chài”.
Lê Ngọc Thuận tốt nghiệp THPT, không có điều kiện học lên đại học, anh bắt đầu lăn lộn đi làm thêm kiếm sống. Là người có đam mê kinh doanh và luôn tìm tòi cái mới, quá trình làm việc cho một nhà hàng trong phố cổ Hội An, tiếp xúc với nhiều khách ngoại quốc anh đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh homestay ở làng chài An Bàng. “Lúc đó mình ớn nhất chuyện vốn, nhưng bạn bè nói mô hình này đầu tư không nhiều, chủ yếu tận dụng lại nhà cửa, không gian vốn có của làng nên cũng bớt lo. Năm 2012, mình bắt tay vào làm loại hình lưu trú này trong 4 nhà dân”, anh nói.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho hay, hiện An Bàng có khoảng 70 homestay. “Từ khi anh Thuận khai phá dịch vụ này và hướng dẫn cho bà con, An Bàng đã thay da đổi thịt, cuộc sống của bà con từ nghèo khó giờ đã ổn định, dư dả, dân từ trẻ đến già đều có việc làm. Chúng tôi rất ủng hộ làm du lịch phải giữ dáng dấp làng quê, bản sắc của địa phương, nếu không An Bàng sẽ dễ nhầm lẫn với những làng chài ven biển khác”, ông Quang nói. |
Thấy anh về thuê đất, thuê nhà làm du lịch, ban đầu chẳng ai nghĩ anh sẽ thành công nơi vùng gió này. Bốn căn nhà sạch đẹp, thơ mộng hoàn thành, du khách book tới tấp, cả làng mới tin. “Thời điểm ấy homestay còn khá xa lạ, ngay trong phố cổ cũng rất ít, bà con không hình dung ra được. Qua những du khách nước ngoài mới biết họ rất thích loại hình dân dã này. Họ cũng cho biết tiêu chuẩn về buồng phòng, chăn gối, bàn ghế…như thế nào nên mình cứ thế mà làm theo. Sau hai năm triển khai thì homestay ở An Bàng nổi tiếng, khách từ phố cổ đổ về liên tục”, anh nhớ lại.
Homestay mọc lên cần lao động. Anh Thuận tìm bà con trong làng làm quét dọn, buồng phòng, bảo vệ, những người trẻ có hiểu biết về du lịch và ngoại ngữ thì làm lễ tân, phục vụ…Dần dần, cả làng có công ăn việc làm quanh năm. Hàng chục hộ thấy anh Thuận thành công cũng mạnh dạn mở homestay và nhờ anh giúp đỡ truyền kinh nghiệm, và đến nay khá thành công.
Trong con hẻm nhỏ vòng vèo dưới những lùm cây rợp bóng, homestay của chị Võ Thị Ánh (48 tuổi, tổ 7) nằm im ắng sau chiếc cổng gỗ nhỏ xinh. Chị Ánh thật thà nói: “Không nghĩ có ngày mình bỏ cái nghề làm cá bò mỗi tháng 1,2 triệu để đi làm du lịch. Tất cả nhờ có cậu Thuận. Cậu ấy tìm ra cách níu chân du khách, làm đổi thay cả làng”. Hơn một năm trước, chị Ánh nhờ anh Thuận hỗ trợ mở homestay tại nhà. Chị làm hai phòng, một tầng trệt và một trên gác, giá thuê dao động từ 35 - 40 USD/phòng/ngày. Mùa cao điểm, có tháng chị lãi hàng chục triệu đồng.
Giữ bản sắc, giữ chân khách
Dẫn khách tới nhận phòng xong, anh Nguyễn Văn Tài (45 tuổi) đưa hai chiếc xe đạp cho hai cô gái Hàn Quốc rồi chỉ con đường đi quanh làng, đường dạo biển. Trước khi đi, anh còn giới thiệu cho họ một số vật dụng đặc trưng của vùng này như thúng, lưới, ghe… Những căn phòng trong homestay của anh cũng thật đơn giản, khung cửa gỗ sơn xanh kéo rèm, đặt chiếc giường gỗ trên nền xi măng, còn phía hiên nhà lợp mái ngói.
Như lời anh Thuận nói, đã là homestay thì phải dân dã, mang đặc trưng của địa phương. Tất cả các dịch vụ lưu trú trong làng đều rất bình dị. Những căn phòng nằm giữa vườn, nền không cần gạch hoa, lối đi giữa hàng chè tàu, rồi bàn ghế bằng gỗ cũ, chum nước, thúng lưới… đều được giữ nguyên. “Người nước ngoài đến đây để khám phá và tận hưởng những gì bình dị nhất. Tôi vẫn thường nhắc bà con như vậy để họ giữ lại đặc trưng của vùng này, không vì chạy theo du lịch mà phá bỏ những gì vốn có, ồ ạt bê tông hóa cả vùng này”, anh Thuận chia sẻ.
Ngay từ ngày đầu bắt tay vào gầy dựng homestay ở An Bàng, anh Thuận đã cho du khách trải nghiệm cuộc sống của vùng biển bằng các hoạt động kéo lưới, câu cá, nấu ăn…Với anh, đó là một cách để quảng bá văn hóa địa phương và cũng là cách giữ chân khách.
Anh Lê Ngọc Thuận mong muốn An Bàng sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn để đón đối tượng khách cao cấp, họ tới để thưởng thức cuộc sống bình dân nhưng thật đẳng cấp. “Những người nước ngoài có điều kiện kinh tế họ rất chịu chi cho loại hình này, miễn là nó xứng đáng. Để làm được điều đó, cần nâng cao nghiệp vụ, từ cách chào hỏi, nở nụ cười, đến phục vụ đều phải thân thiện, bình dị nhất có thể. Đặc biệt phải giới thiệu và hướng cho du khách trải nghiệm những văn hóa, hoạt động của địa phương, phải cho họ thấy được tinh thần đặc trưng nhất ở khu vực này”, anh Thuận chia sẻ.
Năm 2016, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018 đối với cụm nhà có phòng cho thuê (homestay ASEAN) cho cộng đồng làng chài ven biển An Bàng. Các tiêu chí để giành được giải thưởng này là bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển du lịch bền vững… |
Tác giả: THANH TRẦN
Nguồn tin: Báo Tiền phong