Nhân ái

Cha mất sớm, mẹ đội nắng bán rau trả nợ, chăm đàn con thơ

Từ ngày chồng qua đời đột ngột do tai nạn, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc 4 đứa trẻ. Thỉnh thoảng, con gái út lại hỏi mẹ về bố. Những lúc ấy, nỗi ám ảnh ngày 26 Tết ùa về khiến tim chị đau nhói…

Trưa tháng 4, nắng miền Trung như thiêu như đốt, hôm nay rau bán ế, chị Lan về muộn. Các con đi học về đứa lớn tự giác thổi cơm, đứa nhỏ quét nhà, còn chị đội nắng ra vườn cặm cụi hái rau để luộc để 4 mẹ con ăn trưa. Mắt lũ trẻ đứa nào cũng sáng lên khi thấy mâm cơm của 4 mẹ con hôm nay còn có cả thịt kho.

Chị bảo thằng Kiệt thèm thịt đã mấy hôm, trưa nay có chị hàng thịt bán rẻ cho một ít, chị mừng lắm. Kể từ ngày chồng mất, 4 mẹ con chị cứ lặng lẽ nương tựa nhau sống qua ngày, miếng ăn cũng trở nên thiếu thốn.

Chị Lan bên các con của mình

Chị là Nguyễn Thị Lan (SN 1984) ở thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Chồng chị, anh Trần Trung Trường đã mất bởi tai nạn giao thông cách đây 2 năm. Một mình chị gồng gánh nuôi 4 con thơ: Trần Khánh Trinh (SN 2006), Trần Anh Kiệt (SN 2008), Trần Hương Trà (SN 2011) và Trần Thị Thảo My (SN 2015).

“Gia đình tôi có 7 anh chị em, hồi đó bố mẹ ở quê nghèo quá nên chỉ học đến lớp 6 là tôi nghỉ. Năm 15 tuổi thì bố mất, một mình mẹ không thể nuôi nổi các con nên tôi xin vào Nam làm thuê làm mướn phụ mẹ nuôi em”, chị Lan kể.

Sau khi rời miền Nam về quê sinh sống, chị lập gia đình với anh Trường rồi lần lượt sinh các cháu. Anh chị là người chịu thương chịu khó, ai thuê gì cũng làm nên cả gia đình 6 người không đến nỗi quá thiếu thốn.

“Lúc đầu chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng, đến lúc sinh cháu My, vợ chồng bàn nhau ra ở riêng. Dành dụm được một ít mua đất, vợ chồng tôi cắm sổ đỏ, vay ngân hàng 200 triệu để xây nhà, xong phần thô thì dọn về ở.

Ngôi nhà vừa hoàn thành phần thô, tiền nợ ngân hàng còn gần 200 triệu thì anh mất

Khi con cứng cáp, tôi trồng rau rồi đem đi chợ bán, anh làm thuê ở một xưởng mộc không xa, trong 2 năm vợ chồng tôi vừa nuôi con vừa gom góp trả cho ngân hàng được 30 triệu”, chị Lan trầm ngâm ngước lên bàn thờ chồng, nhớ lại.

Một ngày cận Tết 2018, anh Trường đi ứng tiền công về định sắm sửa trong nhà và mua áo quần mới cho các con, khi đang đi trên đường thì xảy ra tai nạn, tử vong tại chỗ.

“Cuộc điện thoại báo tin đó như sét đánh ngang tai, lúc tôi cùng người thân chạy xuống hiện trường thì thi thể anh đã được đắp chiếu, tôi chỉ biết khụy xuống, ngất luôn tại chỗ”, chị Lan nhớ lại.

Chị bật khóc khi nhớ về chồng và lo lắng cho tương lai của các con

Anh vừa mất, tiền lãi ngân hàng cũng đến kỳ phải đóng, nhà chỉ có 1 con trâu chị đành phải bán để lấy tiền trả lãi. Chiếc xe máy duy nhất anh đi nát bét sau vụ tai nạn, cũng may sau đó em trai chị cho mượn xe để hằng ngày đưa đón các con đi học.

Thương chị và các cháu còn quá nhỏ dại, làng xóm xung quanh ai có gì cho nấy, khi thì bộ quần áo cũ, lúc là tập sách để các cháu học. Biết mẹ không có tiền nên các cháu lớn ít khi đòi hỏi.

Chỉ thương cháu My, nhỏ quá nên chưa biết gì, thỉnh thoảng lại đòi sữa, đòi bánh và ngây ngô chỉ vào bàn thờ gọi ba. Mỗi lần như thế chị vừa thương mình, vừa thương con đến nghẹn ngào.

Hiện nay, ngoài làm 2 sào ruộng để mấy mẹ con có gạo ăn, chị vẫn hái rau mang đi chợ bán. Chị bảo, người ta đi chợ sớm nên bán được nhiều, chị phải đưa các con đi học xong mới lên chợ nên lúc nào rau cũng ế.

“Có người xin các cháu về nuôi nhưng tôi không thể làm thế. Chỉ nghĩ đến các con mồ côi cha giờ lại phải xa mẹ, xa anh chị em thì không một người mẹ nào đành lòng”, chị bật khóc.

Chị Lan từng tính đến chuyện đi làm ăn xa rồi gửi tiền về nuôi các con, nhưng những đứa trẻ còn quá non nớt, không thể gửi ai được. Số nợ ngân hàng vẫn còn đó, chị chưa biết tính cách nào. Trong khi các con đều đang đến tuổi đi học, chi phí cũng khá tốn kém.

Trưa nắng, cháu Trinh đang nấu cơm, chúng tôi hỏi giờ có người muốn nhận cháu về nuôi, cháu có đồng ý không. Nghe thế, Trinh òa khóc, nức nở xin đừng đưa đi. Cháu muốn ở cùng mẹ và em, rồi ăn cơm không có thịt cũng được. Trinh khóc, chị Lan khóc làm chúng tôi cũng rơi nước mắt.

Mọi đóng góp xin gửi về:

Gửi trực tiếp: Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. SĐT 0963875902

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP