Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người lao động nghèo tại quận Ngũ Hành Sơn đã đến khuôn viên trường CĐ Du lịch Đà Nẵng xếp hàng chờ nhận gạo.
Ngay từ sớm, bà con lao động nghèo đã đến xếp hàng nhận gạo. Ảnh: T.AN |
Người dân xếp hàng trật tự, giữ khoảng cách và rửa tay sát khuẩn trước khi nhận gạo theo hướng dẫn của đoàn viên, thanh niên. Giáo viên, lực lượng chức năng cũng có mặt để đảm bảo việc phát gạo diễn ra trật tự và an toàn.
Người dân bấm nút để nhận gạo. Ảnh: T.AN |
Mỗi người sẽ nhận 2 kg gạo/lần, riêng người có phiếu sẽ được nhận 4 kg gạo/lần. Ảnh: T.AN |
Một điều đặc biệt của cây ATM này là nó được hoạt động gần như bằng… sức người. Gạo từ hành lang tầng hai được chuyển xuống phía dưới thông qua hệ thống ống dẫn. Phía dưới, người dân bấm nút để nhận gạo, phía trên sẽ có người đong đủ số lượng gạo rồi đổ vào ống dẫn. Ngoài gạo, người lao động nghèo còn được nhận thêm trứng, dầu ăn, mì chính…, để giúp họ cải thiện bữa ăn.
Phía trên tầng hai, nhà trường bố trí người phụ trách việc đong gạo, đổ gạo vào ống dẫn khi có tiếng chuông. Ảnh: T.AN |
Người dân chỉ việc bấm nút, gạo sẽ được chuyển xuống phía dưới. Ảnh: T.AN |
Thầy Nguyễn Duy Quang, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng cho biết sau khi xuất hiện mô hình "ATM gạo" ở TP HCM, nhà trường thấy ý tưởng này rất hay nhưng nếu đầu tư tiền để chế tạo máy thì sẽ mất thêm một khoản để hỗ trợ cho dân.
Do đó, mục tiêu của thầy và trò nhà trường là tìm cách tạo ra một chiếc máy đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả, qua đó hỗ trợ cho người lao động khó khăn càng sớm càng tốt.
“Hy vọng những người dân thật sự gặp khó khăn, những người mất việc làm, mất thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 sẽ bớt cực và cảm thấy ấm lòng khi nhận những suất gạo này”- thầy Quang cho hay.
Đoàn viên của nhà trường hỗ trợ một người mẹ bồng con nhỏ lấy gạo. Ảnh: T.AN |
Trước khi cây ATM gạo hoạt động, nhà trường đã phối hợp với các phường rà soát và phát phiếu nhận gạo cho những hộ thật sự khó khăn trên địa bàn. Những người này sẽ được nhận 4 kg gạo/lần, những người không có phiếu nhận 2 kg gạo/lần kèm trứng, dầu ăn, mì chính...
Càng về trưa, dòng người xếp hàng nhận gạo càng dài thêm. Ảnh: T.AN |
Vừa hớt hải chạy đến xếp hàng nhận gạo, chị Ngô Thị Hồng (34 tuổi, quê Quảng Bình) cho hay vợ chồng chị đang thuê trọ tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Hàng ngày, chồng chị làm phụ hồ còn chị đi lượm ve chai mưu sinh. Những ngày gần đây, kinh tế gia đình có phần khốn đốn phần do dịch, phần do chồng chị vừa phải nhập viện.
"Ở viện về nghe hàng xóm bảo là tôi chạy vội ra đây ngay. Mấy bữa nhà hết gạo, tôi đành phải mua chịu 10 ký rồi vay mượn hàng xóm ít tiền trang trải tạm, chờ đi làm thì trả chứ giờ tính sao. Có khi vào viện, họ thấy tội, họ cho tiền thì tôi để dành mua thêm mắm, muối chứ không dám tiêu. May là anh nằm viện đã có người phát cơm, ngày ba bữa nên tôi cũng đỡ lo” – chị xúc động.
Cây “ATM gạo” của thầy trò trường CĐ Du lịch Đà Nẵng dự kiến sẽ hoạt động đến ngày 22-4. Ảnh: T.AN |
Tương tự, cụ bà Thái Thị Không (90 tuổi, phường Hòa Quý) chia sẻ các con cụ đã lập gia đình, kinh tế khó khăn nên cụ hiện sống một mình. Hàng tháng, cụ được thành phố hỗ trợ 300 ngàn đồng. "Tôi thấy người ta đến thông báo phát gạo nên đi nhờ xe đến đây. Được nhận gạo thì tôi rất mừng, cám ơn nhà nước”- cụ cười.
Được biết ngay khi đăng tải thông tin đưa cây "ATM gạo" vào hoạt động, thầy và trò trường CĐ Du lịch Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Tổng số gạo quyên góp hiện là 4,2 tấn, trong đó 407 suất gạo đã được phát ngay trong ngày đầu tiên (16-4).
Việc phát gạo sẽ kéo dài từ 8 đến 17 giờ hàng ngày, bắt đầu từ ngày 16-4.
Tác giả: TÂM AN - THANH LẠNG
Nguồn tin: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh