Chuyên nghiệp đến từ sự tử tế - Chuyện nghỉ việc
Nếu ai đã từng đi làm thì chắc trong đầu đã từng ít nhất một lần nghĩ về chuyện xin nghỉ việc. Và cũng có rất nhiều người đã từ nghỉ việc nhiều lần và nhảy việc cũng nhiều lần.
Trong công ty, tôi đã từng gặp trường hợp mới nhận việc, sáng đi làm vui vẻ, chiều tự nhiên mất hút, gọi hỏi mới nói là chỗ khác mới đưa ra lời mời tốt hơn nên em qua luôn, em hẹn làm chỗ anh lần khác nhé, sợ chưa. Hay gần đây nhất có bạn hôm trước làm, hôm sau nghỉ, không chào hỏi tạm biệt ai cả, hoặc có bạn thậm chí sau block cả Facebook của mọi người trong công ty (chắc vì ngại), không hiểu các bạn nghĩ gì.
Còn trường hợp đang làm tự nhiên hẹn nói chuyện riêng rồi nói rằng có việc riêng, thay đổi lịch học, làm đồ án, môi trường không phù hợp, bố mẹ bảo nên làm chỗ khác,... thì quá nhiều. Tôi tin doanh nghiệp nào cũng đã từng gặp phải những trường hợp như vậy.
Ở đây tôi không nói về chuyện tại sao các bạn lại xin nghỉ, hay vì sao các bạn lại nghỉ "đột ngột" như thế. Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện mà hôm trước tôi gặp phải, rất đáng suy nghĩ.
Hôm trước có em trong nhóm dự án gửi tin nhắn cho tôi bảo muốn gặp trao đổi riêng một tí. Như bao lần, linh tính mách bảo rằng chắc em xin nghỉ việc. Ngồi nói chuyện với em một tí, mình có bảo anh đang nghe đây, có chuyện gì em cứ trao đổi thẳng thắn, không phải ngại.
Như được mở lời, em có nói là muốn xin nghỉ vì chuyện cá nhân. Tôi có hỏi chuyện gì thì em nói chuyện cá nhân rất khó nói, không thể chia sẻ được, và em cần về nhà ngay ngày mai, nên em muốn xin nghỉ luôn. Đến đoạn này tôi hơi sốc, vì biết trước có thể em xin nghỉ, nhưng cũng không nghĩ nghỉ ngay và luôn, và với một lý do không biết phải nghĩ như thế nào.
Nhiều bạn trẻ nghỉ việc hồn nhiên, thích là nghỉ rồi ra đi "như một cơn gió" (ảnh minh họa). |
Em ý có nói rất ngại và sẵn sàng ở nhà hỗ trợ công việc đến khi nào ổn thì thôi. Tôi có nói rằng em yên tâm, công việc của em bạn khác sẽ đảm nhiệm được, còn em đã nghỉ, ở nhà rồi thì rất khó làm việc hiệu quả để bàn giao được. Trong đầu lúc tôi lúc này lại nghĩ về chuyện, sao các em bây giờ xin nghỉ dễ dàng quá, vô tư quá, đôi khi hơi thiếu trách nhiệm quá - thích là nghỉ.
Chuyện tưởng chẳng có gì đặc biệt, nhưng hôm sau em ý có inbox tiếp, và bảo là anh xong việc thì xuống ngồi cùng bọn em, em có mua ít đồ ngọt chia tay mọi người. Tôi bất ngờ, đi xuống thấy em mua pizza, coca rồi nói chuyện xin nghỉ và mời mọi người ăn.
Em mới chỉ vào làm một thời gian ngắn, không phải tương tác với mọi người quá nhiều, đặc biệt nói chuyện với tôi số lần đếm trên đầu ngón tay. Nên điều này làm tôi rất ấn tượng, đã lâu lắm rồi chưa thấy hình ảnh này, giống như ngày xưa bạn bè chia tay nhau đi học, đi làm xa vậy.
Khi em đã ý thức và hành động vậy, em như thỏi nam châm, mọi người vừa đến ăn vừa chia sẻ, vừa vui vẻ cười đùa, vừa hiểu về chuyện em nghỉ. Rồi có người hát tặng bài hát, có người chúc, có người chia sẻ, mọi thứ rất tự nhiên và thoải mái. Dẫu vẫn chưa biết thực sự lý do em nghĩ là gì, nhưng em làm vậy đã rất tử tế, và tôi biết em có lý do đặc biệt đằng sau.
Trần Trung Hiếu hiện là Giám đốc một công ty nhân sự tại địa bàn Hà Nội - tác giả bài viết. |
Công ty tôi có hẳn một chương trình để chia tay nhân sự khi nghỉ, rất chuyên nghiệp, có tặng quà, có chúc, có cảm ơn. Dù biết có bạn ghét công ty, ghét sếp, chỉ muốn nghỉ ngay, mà vẫn phải qua thủ tục này.
Nhưng tôi muốn nói rằng, các bạn cần biết và cần có cái thói quen, tác phong này, nó thể hiện mình là người chuyên nghiệp, và hơn cả, thể hiện mình là người tử tế - tử tế với đồng nghiệp - tử tế với công ty (công ty cũng nên hiểu và có cách ứng xử phù hợp như vậy).
Nhưng đúng là từ câu chuyện trên mới thấy rằng, nếu chúng ta đều nghĩ và làm một cách chuyên nghiệp dựa trên sự tử tế, mọi thứ sẽ tự nhiên và thoải mái hơn rất nhiều.
Sự chuyên nghiệp đến từ những điều nhỏ nhất, đến từ sự tử tế, không phải là cái gì quá to tát. Xin nghỉ chỉ là kết thúc công việc tại một nơi, nhưng còn đó là cả những mối quan hệ, đừng để vì "chưa biết cách xin nghỉ" làm sau này cũng ngại khi nhìn mặt nhau.
Còn với em, anh tin em sẽ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hơn, xứng đáng có một công việc tốt hơn. Và hãy mang theo sự tử tế này tới những nơi mà em sẽ làm nhé.
Chúc em thành công!
Tác giả: Trần Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo Dân trí