Kinh tế

Cấp phép đầu tư Nhà máy điện mặt trời Sông Luỹ 1

UBND tỉnh Bình Thuận vừa cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho dự án “nhà máy điện mặt trời Sông Luỹ 1” do Công ty CP Đầu tư Quang Điện Bình Thuận làm Chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Luỹ 1 được đầu tư xây dựng với công suất 39 MWac, sử dụng công nghệ pin quang điện Silic đa tinh thể và Inverter trung tâm, được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua đường dây đấu nối 110 kV dài khoảng 0,5 km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 875 tỉ đồng.

Ảnh minh hoạ

Dự án trước đó đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020.

Dự án "Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1" là một mô hình nhà máy điện mặt trời hòa lưới quy mô công suất lớn được xây dựng theo phương thức xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án được xây dựng tại trên diện tích đất khoảng 50 ha tại xã Sông Luỹ, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, là nơi có tổng số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ. Lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm là 1.961 kWh/m2, và trung bình ngày khoảng 5,35kWh/m2. Ngoài ra, do khí hậu ở đây rất thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão nên là điều kiện khá lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Dự án dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 6-2018 và hoàn thành trong tháng 3-2019. Dự kiến sau khi vận hành thương mại, nhà máy điện mặt trời Sông Luỹ 1 sẽ cung cấp sản lượng điện năm đầu khoảng 75 triệu kWh.

Điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác và chi phí đầu tư luôn giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất tấm pin quang điện. Với nguồn tài nguyên vô tận, điện mặt trời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho tỉnh Bình Thuận và đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần cung cấp một lượng điện năng đáng kể từ nguồn năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Bình Thuận theo chủ trương thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch của nhà nước và của tỉnh Bình Thuận.

Dự án này được xây dựng tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (Theo Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) nên dự án được hưởng ưu đãi theo các quyết định của pháp luật hiện hành.

Tác giả: Hoài Dương

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP