Giáo dục

Cảnh báo nguy cơ đuổi học 300 sinh viên đang học năm thứ 8

Hơn 300 sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện đang học năm thứ 8. Đến tháng 9/2018, nếu không hoàn tất chương trình thì sẽ bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.

Thông tin này được ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết sau khi xét các điều kiện tốt nghiệp đợt tháng 3i. Theo ông Lý hiện có 316 em đã ở năm cuối cùng trong quỹ thời gian đào tạo cho phép (8 năm). Đến tháng 9/2018, nếu những sinh viên này không hoàn tất chương trình sẽ bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.

316 sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nếu không hoàn tất chương trình vào tháng 9/2018, sẽ bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.


"Hơn 300 em này nằm có thể nằm trong hai trường hợp. Thứ nhất, các em đã hoàn thành số tín chỉ tích lũy trong chương trình học nhưng nợ chuẩn đầu ra Anh văn và Tin học. Hiện tại trường rất quan tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng chuẩn đầu ra, vì vậy đã khuyến cáo sinh viên không chỉ học chuyên môn mà phải đầu tư cho ngoại ngữ, tin học .

Thứ hai, có thể một số sinh viên đã nghỉ học vì lý do cá nhân, tự thay và chuyển đổi nghề nghiệp nhưng trường chưa thể buộc thôi học vì chưa hết thời gian đào tạo tối đa theo quy định".

Ông Lý cũng cho biết, ngoài 300 em đang ở “đỉnh” thời gian đào tạo thì có hơn 600 em cũng đang ở thời gian đào tạo từ 4 năm đến 7 năm.

“Chúng tôi xác định đây là sự cảnh báo nghiêm túc cho các thí sinh thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH sắp tới. Các em hãy xác định rõ năng lực bản thân phù hợp nghề nghiệp nào để chọn đúng và trúng ngay từ đầu. Đặc biệt, không có tư tưởng vào ĐH được là ra trường được. Bởi các trường đại học hiện nay đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nên kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ. Người học dù đầu vào giỏi nhưng không đầu tư cho sự học, chủ quan sẽ khó vượt qua để nhận được tấm bằng đại học đích thực”- ông Lý nói.

Theo ông Lý, ngoài số sinh viên ra trường “muộn” thì hiện nay trường có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn (3-3,5 năm); 80% sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới. So với trước kia, thời gian đào tạo bậc ĐH sẽ rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian đào tạo CĐ thay vì ấn định 3 năm, nay là 2 - 3 năm.

Như vậy với việc rút ngắn ngày có thể thời gian đào tạo tối đa tại các trường cũng sẽ giảm xuống.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: đuổi học , cảnh báo , sinh viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP