|
Ngày 13/3, Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn có 83 công ty hoạt động dịch vụ tư vấn du học nước ngoài và 10 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Số người ra nước ngoài học tập, lao động đều chấp hành tốt pháp luật ở nước sở tại và chưa có trường hợp bị trả về do vi phạm pháp luật.
Ông Trần Chí Cường phát biểu tại Hội nghị. |
Trong 5 năm qua, Công an thành phố đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp công dân Việt Nam trên lĩnh vực xuất nhập cảnh. Trong đó, 7 trường hợp qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh; 13 trường hợp khai báo không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu và 3 trường hợp không thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc mất hộ chiếu.
Qua công tác quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố thụ lý 4 vụ/4 bị can, 16 người có liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp…
Vẫn còn tồn tại như một số công ty hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài nhưng chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo tình hình hoạt động; tình trạng người dân xuất cảnh, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài diễn biến phức tạp…
Đáng chú ý là tình trạng công dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các Đề án, chương trình của thành phố, của các đơn vị sự nghiệp gây dư luận không tốt như: 25 trường hợp cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác ở nước ngoài đã tiếp tục cư trú, làm việc ở nước ngoài, không về nước theo hợp đồng ký kết; 17 học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không trở về nước làm việc…
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, những năm vừa qua, Công an thành phố đã phối hợp với các sở ngành, các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Với trường hợp cán bộ, giảng viên của Đại học Đà Nẵng không về nước thì phải xem xét họ ở lại như thế nào, lý do vì sao… cần phải làm rõ.
Ông Cường cũng cho rằng, với các chính sách xuất nhập cảnh ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh, đòi hỏi công tác quản lý xuất nhập cảnh phải được tăng cường.
Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, vị Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Công an thành phố là đơn vị chủ công, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.
Trên từng lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất hoặc tham mưu kiến nghị cấp có thẩm quyền sử đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, đề án, quy chế còn bất cập, chừa phù hợp với thực tế để góp phần nâng cao hiệu quả, đưa công tác quản lý công dân Việt Nam đi vào chiều sâu, thực chất, chặt chẽ, khoa học và hiệu quả hơn.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn