Thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn nhìn lại thực trạng công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương và việc thực hiện chế độ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đồng thời làm rõ các biểu hiện, nguyên nhân và nêu ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Sau những sai phạm liên quan đất đai được Thanh tra Chính phủ kết luận, các bản án được tuyên đã khiến nhiều cán bộ thực thi công vụ ở Đà Nẵng lo ngại, làm việc cầm chừng. Tình trạng sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công chức đã và đang kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Một cán bộ thực thi công vụ ở thành phố Đà Nẵng có tâm tư như thế này: “Một số văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất. Tình trạng này dẫn đến cán bộ khó tham mưu phải xin ý kiến nhiều lần.”
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi các văn bản luật, văn bản hướng dẫn dưới luật còn chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ.
Các sai phạm liên quan các Kết luận Thanh tra, kiến nghị kiểm toán những năm trước đây ở Đà Nẵng cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ chùn bước |
Thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Thành ủy Đà Nẵng đã đề ra một số giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tháng 9/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Thành ủy Đà Nẵng “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 4 ngàn cán bộ từ thành phố, quận/huyện đến xã/phường đều tham dự.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận: Thái độ, tinh thần làm việc của của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Tình trạng này gây giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 29. Chỉ thị mới về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” nêu ra 8 giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nêu cao danh dự và lòng tự trọng trong thực thi công vụ |
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Điểm nổi bật trong Chỉ thị mới là cơ chế nhận xét, đánh giá của cấp ủy để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung: “Tôi kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng; thấy rõ trách nhiệm của mình với Nhân dân và vì sự nghiệp phát triển của thành phố, quyết tâm vượt qua khó khăn làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, mạnh dạn đề xuất và quyết định tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của nhiều năm trước đây hoặc những vấn đề mới đặt ra nhưng có những mâu thuẫn trong quy định pháp luật hoặc các quy định không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra với động cơ trong sáng vì lợi ích của người dân và vì mục tiêu phát triển thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân Bí thư Thành ủy sẽ luôn đồng hành, ghi nhận và có đánh giá cụ thể đối với những cán bộ tâm huyết, không vụ lợi cá nhân.”
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh bảo vệ người đứng đầu dám nghĩ dám làm, cần tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, tính gương mẫu chịu trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng vô cảm, né tránh trách nhiệm.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng |
Ông Vũ Xuân Viên đề nghị cương quyết xử lý kỷ luật và loại bỏ cán bộ không đủ năng lực, đùn đẩy trách nhiệm ra khỏi đội ngũ thực thi công vụ: “Quan điểm của Công an thành phố là nếu các doanh nghiệp và cá nhân chứng minh được thiệt hại do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, công chức mà người ta kiện ra tòa, khi tòa xử họ thắng thì Công an thành phố sẽ xem xét, khởi tố về tội thiếu trách nhiệm. Chứ làm gì có chuyện doanh nghiệp phá sản, dân kêu ca mà cán bộ lại rất thờ ơ, bàng quan.”
Thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né trách trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo sở, ngành không trình UBND thành phố, lãnh đạo thành phố những công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan; chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND thành phố và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, các sở ngành, đơn vị, quận huyện không được chuyển công việc thuộc cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác: “Có cơ chế đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; áp dụng nghiêm túc chế độ làm việc theo cơ chế thủ trưởng của sở, ngành, không lạm dụng việc họp để lấy ý kiến tập thể. Người đứng đầu các đơn vị phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc xử lý các vấn đề khó, có vướng mắc; đứng ra chịu trách nhiệm nếu có rủi ro để cấp dưới tự tin, yên tâm làm việc vì lợi ích chung.”
UBND thành phố Đà Nẵng ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương. |
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, quyết tâm đổi mới; khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế vì lợi ích chung. Đồng thời phải có cơ chế đánh giá công tâm, toàn diện, phù hợp thực tiễn đối với những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với tinh thần “ai sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm hãy đứng sang một bên”. Mặt khác, phải xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường để cán bộ đổi mới, sáng tạo. Điểm này là cũng đang còn thách thức rất lớn trong quá trình chúng ta có những cán bộ vi phạm. Chúng ta phải xem xét phải xử lý ở các mức độ khác nhau nhưng cũng khuyến khích cán bộ, đổi mới sáng tạo chứ không phải vì vậy mà co lại an toàn và không dám làm việc và như vậy đất nước cũng không phát triển được.”
Bà Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư-Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong một buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng |
Một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, đó là: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc. Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tháng 6/2023, Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. |
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, không sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… có tính chất quyết định trong việc thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, đủ tầm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng căn bản và quan trọng nhất vẫn là sự tự nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Kết thúc loạt bài này, xin được dẫn lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV