Cũng tại cuộc họp này, các đại biểu chỉ rõ trong chương trình giám sát của HĐND về 37 dự án ven biển, còn nhiều dự án vi phạm. Trong đó, nhiều dự án giao đất không qua đấu giá, xác định thời hạn thuê đất chưa đúng quy định, nhiều trường hợp chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đại biểu yêu cầu công khai tất cả các dự án cho người dân biết.
Yêu cầu này hoàn toàn chính đáng vì đất là tài sản của người dân, không thể để lãng phí, trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế, nguồn thu trong dân không thể đáp ứng hết nhu cầu phát triển. Điều khó hiểu là những khuất tất, sai phạm về đất đai trong cả một thời gian dài ở Đà Nẵng đã bị giấu nhẹm, phải đến cuộc họp HĐND này mới được yêu cầu công khai. Những mảnh đất này được giao cho ai, ai cấp phép, sai phạm thế nào mà phải hiến kế thu hồi?
Không ai lạ gì, trong nhiều năm qua, việc giao đất cho doanh nghiệp ở Đà Nẵng gây không ít sóng gió đối với người dân. Chỉ nguyên dải đất ven biển trù phú, xinh đẹp vốn là môi trường sinh sống của người dân bỗng chốc bị thu hồi, buộc họ đi nơi khác, mất nguồn sinh kế để giao cho vài doanh nghiệp làm du lịch. Người dân phản ánh, khiếu nại khắp nơi nhưng lãnh đạo TP vẫn cương quyết đứng về phía doanh nghiệp. Thậm chí, đường xuống biển đánh bắt cũng bị bít, người dân xin đủ điều nhưng chủ doanh nghiệp phớt lờ. Gần đây nhất, doanh nghiệp được giao đất đã ngăn lối xuống bến tàu làm người dân Nam Ô bức xúc ngăn chặn. UBND Đà Nẵng phải can thiệp, cấm doanh nghiệp bít lối ra biển. Trước thực trạng này, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải thừa nhận ở nhiều dự án khác, khi đã giao đất, muốn xin lại một ít để mở lối cho dân xuống biển cũng bị doanh nghiệp khước từ.
Đà Nẵng nói riêng và hàng chục địa phương khác nói chung, vấn đề giao đất cho doanh nghiệp có quá nhiều khuất tất. Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Thuận… nơi nào cũng "nóng" chuyện đất đai, gây nhiều bất ổn, xáo trộn cuộc sống người dân.
Pháp luật hiện nay đã khá hoàn thiện. Ai giao đất sai phải bị xử lý. Khi giao đất cho doanh nghiệp đều có cam kết cụ thể thời gian triển khai dự án, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nộp ngân sách, hiệu quả mang lại cho xã hội… Căn cứ vào đó mà xử thẳng tay chứ việc gì e dè, ngại ngần mà phải "cầu cứu" đại biểu HĐND.
Nhờ đại biểu hiến kế tưởng chừng là việc khoáng đạt nhưng thực chất cho thấy sự yếu đuối, thiếu quyết tâm của chính quyền địa phương và nay đẩy trách nhiệm này về phía người dân. Nếu Đà Nẵng bất lực trước cán bộ làm sai, trước doanh nghiệp vi phạm thì hãy chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng trung ương, đề nghị Chính phủ điều tra, xử lý, sao cứ mãi quanh co, né tránh.
Khi dân kêu thì không thấu cảm, khi bí bách thì nhờ dân cứu là cách ứng xử vừa thiếu tâm vừa bất đảm, không nên có ở tầm lãnh đạo một TP lớn.
Tác giả: Phạm Hồ
Nguồn tin: Báo Người lao động