Tin địa phương

Đà Nẵng lấy lại sân Chi Lăng bằng cách nào?

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 12-7, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết sẽ thương lượng để lấy lại sân này. Nhưng vấn đề mấu chốt đặt ra là lấy lại sân vận động Chi Lăng bằng cách nào?

Sân Chi Lăng nằm ngay trung tâm Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, rất nhiều ý kiến đề nghị Đà Nẵng lấy lại sân Chi Lăng để phục vụ lợi ích cộng đồng. Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 12-7, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết sẽ thương lượng để lấy lại sân này.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đặt ra là lấy lại sân vận động Chi Lăng bằng cách nào? Một lãnh đạo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đặt câu hỏi.

Ngân sách chi 1.300 tỉ đồng?

Theo vị lãnh đạo nói trên: "Hiện vẫn chưa có một phương án cụ thể về việc sẽ lấy lại sân vận động như thế nào. Do đây là một chủ trương rất lớn nên UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo xin ý kiến của Ban thường vụ Thành ủy. Khi nào Ban thường vụ Thành ủy đồng ý thì mới bàn cách thức tổ chức thực hiện cụ thể".

Cũng theo vị này, có rất nhiều cách để xử lý vụ việc và TP sẽ bàn bạc kỹ lưỡng để khi thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư.

Ngoài ra, một số lô đất ở sân Chi Lăng đang là tài sản thi hành án, vì vậy chính quyền Đà Nẵng sẽ phối hợp với cơ quan thi hành án để xử lý vụ việc theo đúng luật định.

"Hiện ý định ban đầu là TP sẽ chi ra một khoản ngân sách để thực hiện việc này. Tuy nhiên để có nguồn tiền khoảng 1.300 tỉ đồng (tương đương số tiền nhà đầu tư mua khu đất sân vận động - PV) để xử lý vụ việc, Đà Nẵng sẽ cân đối ngân sách trong giai đoạn trung hạn hoặc dài hạn để hỗ trợ lại cho nhà đầu tư" - vị lãnh đạo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết.

Xin ý kiến cơ quan trung ương

Ông Trần Phước Thu, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng, cho biết hiện vụ án Phạm Công Danh đang đi đến giai đoạn cuối.

Vừa qua Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng nhận được nhiều văn bản của các cơ quan liên quan đề nghị phối hợp để thi hành án đối với vụ án này, trong đó có việc xử lý tài sản thi hành án đối với một số lô đất ở sân Chi Lăng.

Theo ông Thu, trước đây các lô đất này đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên. Theo quy định của pháp luật về thi hành án, tài sản là các lô đất ở sân Chi Lăng sẽ được phát mãi tổ chức đấu giá.

Hiện tại Cục Thi hành án dân sự đang gửi văn bản đến các tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phối hợp tổ chức triển khai xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ông Thu cho biết vấn đề xử lý tài sản vụ án đối với các lô đất ở sân Chi Lăng có tính chất phức tạp chứ không đơn thuần như đất đai ở trong các vụ án khác, bởi dự án sân Chi Lăng là một tổ hợp được quy hoạch thành một khối liên hoàn.

Hiện ở sân Chi Lăng có 14 lô đất nhưng chỉ có một vài lô đất là tài sản thi hành án nên nếu tổ chức phát mãi đấu giá thì sẽ phá vỡ quy hoạch kiến trúc của Đà Nẵng.

"Vừa qua, lãnh đạo Đà Nẵng có đặt vấn đề thương lượng lấy lại toàn bộ sân Chi Lăng để đầu tư thành một dự án hoàn chỉnh. Về phía Cục Thi hành án, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì đây là chủ trương hợp lòng dân.

Tuy nhiên, để xử lý tài sản thi hành án đối với vụ này cục sẽ có báo cáo sớm với Tổng cục Thi hành án và các cơ quan trung ương để có phương án xử lý tốt nhất vừa đảm bảo đúng quy định và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của Đà Nẵng" - ông Thu nói.

Xem xét giao dịch đất đai có trái luật không

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng), liên quan khu đất ở sân Chi Lăng, hiện nay về mặt pháp lý thuộc quyền sử dụng đất của một doanh nghiệp.

Do đó khi doanh nghiệp thực hiện các quyền của người sử dụng đất như thế chấp ngân hàng để vay vốn thì các quyền, nghĩa vụ liên quan bị ràng buộc trách nhiệm với ngân hàng cho vay.

"Khi doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng, đã thế chấp hợp pháp, nay phát sinh các trách nhiệm trả nợ, doanh nghiệp nếu không trả được nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền yêu cầu phát mãi tài sản để thu hồi nợ vay" - luật sư Cao nói.

Ông Cao cho biết nếu có các bản án, quyết định của tòa án của các vụ án liên quan xác định nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp với ngân hàng mà doanh nghiệp đó không có các tài sản khác để trả nợ thì bên có quyền là ngân hàng cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Do đó, hiện nay chủ trương của Đà Nẵng muốn nhận lại các tài sản này thì có các cách thức khác, như có sự thỏa thuận các bên để Đà Nẵng trả nợ thay cho doanh nghiệp để được nhận lại tài sản, hoặc khi tài sản được ngân hàng xử lý để thu hồi nợ thì Đà Nẵng có quyền bỏ tiền ra mua tài sản để giữ lại làm các mục đích theo quy hoạch của TP.

Tuy nhiên, theo luật sư Cao, một vấn đề nữa cần xem xét đến là giao dịch nhận chuyển nhượng khu đất ở sân Chi Lăng của doanh nghiệp trước đây có trái pháp luật không.

Nếu trường hợp trái pháp luật, giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu và tài sản sẽ được xử lý theo hậu quả của giao dịch vô hiệu, bên bán trả lại tiền cho bên mua, bên mua trả lại đất.

Khi đó Đà Nẵng mới có thể lấy lại sân Chi Lăng theo cách đỡ tốn kém hơn.

Tác giả: HỮU KHÁ

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: sân chi lăng , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP