Ngày 7-3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: TẤN VIỆT |
Tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng khả năng phiên dịch của các sở, ngành tại Đà Nẵng đang có vấn đề và TP đã có đề án 922 đào tạo sinh viên ở nước ngoài, tầm học hành bài bản.
“Ví dụ TP tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT nước ngoài thì tại sao không nói Sở GTVT hỗ trợ phiên dịch chuyên ngành? Đề nghị sớm tổ chức khóa phiên dịch cho các sở ngành, gom về làm”, ông Nghĩa nói.
Một vấn đề khác về nghệ thuật ngoại giao, ông Nghĩa đặt câu hỏi: “Liệu cán bộ Đà Nẵng khi đi đối ngoại, đi nước ngoài có biết uống rượu vang thế nào không? Cầm dao, cầm nĩa thế nào? Đâu phải thích ăn kiểu gì thì ăn đâu. Cán bộ của chúng ta thiếu cái đó, không được đào tạo, không được đi học”.
Ông Nghĩa cho hay mỗi khi tiếp khách, ông thường hỏi Văn phòng Thành ủy là họ ăn mặc thế nào. Đấy là quan hệ tối thiểu về mặt hình thức.
“Các đồng chí phải nhắc thủ trưởng, không nhắc đồng nghĩa với vùi dập thủ trưởng đấy. Trong các cuộc tiếp khách nước ngoài lỗi ấy là lỗi đầu tiên của các đồng chí (Sở Ngoại vụ - PV), sau đó đến mấy ông văn phòng. Lưu ý tiếp khách họ ăn mặc thế nào mình ăn mặc như thế, đó là sự tự trọng tối thiểu.
Riêng chuyện ăn mặc mình cũng đã chỉn chu rồi nhưng trước khi vào gặp khách thì các đồng chí cũng phải ngắm lại tí cho sếp chứ. Chuyện không nhỏ tí nào, nhất là ông Bí thư, Chủ tịch đại diện cho địa phương. Đừng ngại, không nhắc là hỏng đấy”, ông Nghĩa nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ phải là tinh hoa của UBND TP. Đà Nẵng. TP đang ưu tiên phát triển công nghệ cao, kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài, việc sản xuất phần mềm rồi sẽ không còn biên giới nữa. "Đà Nẵng chọn hướng dịch vụ cao trong GD&ĐT, y tế thì phải dựa vào các trường nước ngoài. Nghị quyết 43 của Bộ chính trị đã định hướng kinh tế của Đà Nẵng rất rõ nét, nên vai trò đối ngoại hết sức lớn".
Ông Nghĩa gợi ý TP tổ chức giao lưu hậu Tọa đàm mùa Xuân 2019, giữa các nhà đầu tư với sinh viên các trường đại học của Đà Nẵng. Như vậy sẽ thúc đẩy nhân lực tại chỗ của TP.
Ngoài ra, đã có doanh nghiệp gọi trực tiếp cho Bí thư Đà Nẵng đề xuất sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực Việt Nam lần thứ I tại Đà Nẵng. Ông Nghĩa đề nghị các ngành lưu ý bám sát việc này, đừng để doanh nghiệp phải chạy ra Huế hay vào Quảng Nam tổ chức.
Nói về việc chọn tư vấn Singapore làm quy hoạch chung cho TP, ông Nghĩa cho rằng không gian phát triển của Đà Nẵng đã được mở rất lớn. “Chúng ta chọn Singapore, giờ TP.HCM cũng đang nói làm theo Singapore. Thôi TP chúng ta cố gắng nói ít, làm thật”, ông Nghĩa nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Ngoại vụ tránh sa đà vào việc đáng lẽ ra của các Sở khác, bỏ quên việc chính của mình. Ngoại vụ chỉ có trách nhiệm giúp các đơn vị khác thẩm định nội dung qua các kênh ngoại giao.
Được biết, thời gian qua, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã tham mưu TP thiết lập quan hệ hợp tác với 41 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với 83 thỏa thuận được ký kết còn hiệu lực.
Bình quân hàng năm, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng tham mưu TP và hỗ trợ các đơn vị, địa phương… vận động từ 130 đến 150 tỉ đồng từ nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Riêng Sở Ngoại vụ trực tiếp vận động trung bình 52 tỉ đồng/năm.
Kể từ khi thành lập vào năm 2004, Văn phòng đại diện TP Đà Nẵng tại Tokyo (Nhật Bản) đã xúc tiến thành công 89 doanh nghiệp Nhật, với số vốn hơn 483,5 triệu USD vào TP, giải quyết hơn 20.000 lượt việc làm cho người dân TP và các vùng lân cận.
Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhận khuyết điểm vì HĐND từ trước đến nay chưa có giám sát nào trong lĩnh vực đối ngoại. Thời gian tới HĐND TP sẽ chú trọng việc này. Ông Trung cho hay thời gian qua Sở Ngoại vụ làm luôn việc xúc tiến đầu tư với 89 doanh nghiệp Nhật Bản. Nhưng đó là nhiệm vụ giữ kết nối của của Văn phòng đại diện TP Đà Nẵng tại Tokyo (Nhật Bản). Còn việc xúc tiến đầu tư thì phải là của Ban xúc tiến đầu tư TP. Sở Ngoại vụ đang ôm quá nhiều đầu việc. |
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM