Pháp luật

Cán bộ Ban quản lý ăn bẩn 5 tỷ đồng

3 cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng và giải phóng mặt bằng huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), 1 trưởng thôn và 3 người dân đã câu kết, thông đồng thực hiện bồi thường sai quy định đối với số tài sản tạo lập trái phép trị giá số tiền 5.170.181.000đ.

Ngày 3-8, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên giai đoạn 2. Trong 7 bị can, có 3 cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng và giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), 1 trưởng thôn và 3 người dân đã câu kết, thông đồng thực hiện bồi thường sai quy định đối với số tài sản tạo lập trái phép trị giá số tiền 5.170.181.000đ.

Đại tá Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quá trình điều tra vụ án mất nhiều thời gian, công sức, khó khăn khi một số bị can không khai báo, nếu khai thì quanh co chối tội vin vào việc nhận thức yếu kém.

Các đối tượng Trần Huy Quang, Nguyễn Hồng Sơn, Mai Văn Hậu và Nguyễn Thị Thịnh.

Sau nhiều tháng điều tra vụ án đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị can gồm: Nguyễn Hồng Sơn (34 tuổi), trú tại thôn Gia Du, xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng và GPMB huyện Tam Đảo; Trần Huy Quang (31 tuổi), trú tại phố Việt Hưng, phường Bến Gót, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng và GPMB huyện Tam Đảo; Lê Thị Thanh Vân (30 tuổi), trú tại thôn Yên Chung, xã Tam Quan (Tam Đảo), cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng và GPMB huyện Tam Đảo; Mai Văn Hậu (50 tuổi), trú tại thôn Ấp Đồn (Đại Đình), Trưởng thôn Ấp Đồn; Trần Minh Ngọc (61 tuổi), Nguyễn Thị Thịnh (53 tuổi), cùng trú tại thôn Ấp Đồn (Đại Đình) và Vũ Ngọc Thức (49 tuổi), trú tại thôn Yên Chung (Tam Quan).

Dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên giai đoạn 2 của UBND huyện Tam Đảo, thu hồi diện tích 29,2ha đất của 149 hộ dân để phục vụ xây dựng các dự án khuôn viên cây xanh (11,7ha), dự án tuyến đường từ Đền Thõng đi Thiền viện (0,7ha) và các công trình khác… Ngay sau khi có thông báo thu hồi đất, đầu tháng 11-2015, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã tổ chức họp dân giao thông báo đến các hộ có tên trong danh sách thu hồi đất.

Đến tháng 1-2016, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Tam Đảo đã thông báo đến toàn bộ người dân có đất nằm trong diện thu hồi bảng giá bồi thường đối với các tài sản, vật kiến trúc, cây cối theo Quyết định số 35 và Quyết định số 32 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 27-4-2016, tổ cán bộ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại dự án gồm: Trần Huy Quang (tổ phó tổ kiểm kê), Lê Thị Thanh Vân và một số người khác cùng với Mai Văn Hậu đến tiến hành kiểm kê đất, tài sản, vật kiến trúc, cây cối tại các thửa đất rừng thu hồi với diện tích 11.827,9m², tại khu Đồng Lừu của Trần Minh Ngọc với bảng giá bồi thường là 715.177.900đ. Lòng tham trỗi dậy, kết thúc buổi kiểm kê, ông Ngọc đã đặt vấn đề với Quang và Hậu muốn trồng thêm vài nghìn cây nhãn và lắp đặt vài nghìn mét ống nước để lấy thêm tiền bồi thường.

Đầu tháng 5-2016, ông Ngọc đã mua, trồng trên diện tích rừng nêu trên 5.700 cây nhãn với giá (tính cả công trồng) là 8.000đ/cây, để được đền bù với giá 100.000đ/cây và 3.010m ống nước HDPE, fi32 với giá từ 8.000đ đến 10.000đ/m được đền bù gần 40.000đ/m.

Tại buổi họp dân kết thúc quá trình niêm yết công khai, Trần Minh Ngọc có ý kiến không đồng ý với phương án bồi thường đã niêm yết, yêu cầu được kiểm kê bổ sung tài sản. Nguyễn Hồng Sơn chỉ đạo Quang tiến hành kiểm kê bổ sung tài sản cho Trần Minh Ngọc. Quá trình thực hiện kiểm kê, Quang và ông Ngọc đã tự nâng khống số liệu thêm 1.052 cây nhãn, thành 6.752 cây (thực kiểm 5.700 cây).

Ngày 17-6-2016, UBND huyện Tam Đảo có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với hộ ông Trần Minh Ngọc (cùng với 8 hộ khác trong cùng một phương án) với tổng giá trị bồi thường ở cả 2 lần kiểm kê nêu trên là 1.506.888.900đ.

Nhận được tiền bồi thường đối với các tài sản tạo lập sau khi có thông báo thu hồi đất, ông Ngọc đã đưa cho Trần Huy Quang 183.000.000đ, số còn lại 608.711.000đ ông Ngọc đút túi. Sau khi nhận tiền từ Trần Minh Ngọc, Trần Huy Quang chia cho Mai Văn Hậu 20 triệu đồng, Lê Thị Thanh Vân và Đầu Thị Bình mỗi người 5 triệu đồng.

Cùng với thủ đoạn tương tự nêu trên, khi kiểm kê hộ ông Vũ Ngọc Thức có thửa đất rừng tại khu Đồng Lừu với tổng giá trị theo đơn giá bồi thường là 1.004.391.638đ, Hậu đã bàn bạc, thống nhất với ông Vũ Ngọc Thức thuê đường nước núi sử dụng trong sinh hoạt của ông Trương Quang Chính (tên thường gọi là Hai Chính) với giá 5 triệu đồng và mua thêm khoảng 2.000m ống nước HDPE, fi 32 nối thêm vào chạy về thửa đất rừng của ông Vũ Ngọc Thức (ông Chính không biết mục đích của Hậu, ông Thức thuê đường ống nước để phục vụ kiểm kê, bồi thường khi thu hồi đất).

Kết thúc quá trình niêm yết công khai, ngày 3-6-2016, UBND huyện Tam Đảo có Quyết định số 422 phê duyệt phương án bồi thường đối với hộ ông Thức (cùng với 5 hộ khác trong cùng một phương án chung) với tổng giá trị bồi thường đối với tài sản vật kiến trúc ở cả 2 lần kiểm kê nêu trên là 1.197.891.638đ, trong đó giá trị bồi thường đối với ống nước tạo lập trái phép nêu trên là 193.500.000đ.

Có được số tiền tạo lập trái phép, ông Thức được hưởng lợi 66,5 triệu đồng; Quang được 35 triệu đồng, Vân được 40 triệu đồng (gồm cả 5 triệu đồng tiền ứng trước), Hậu 48 triệu đồng (gồm cả tiền thuê đường ống nước của ông Trương Quang Chính) và Sơn được 4 triệu đồng.

Đối với trường hợp hộ dân Nguyễn Thị Thịnh, khi UBND huyện Tam Đảo có quyết định phê duyệt bồi thường đối với đất, tài sản, vật kiến trúc, cây cối trên đất tổng giá trị 537.109.250đ (trong một phương án bồi thường chung cùng với 8 hộ dân khác), bà Thịnh cũng đã tạo lập thêm số tài sản là 7.300 cây nhãn và 250 cây sấu với giá từ 7.000đ đến 15.000đ/cây, sau đó đặt vấn đề với Vân, nhờ chị này kiểm kê bổ sung số tiền trị giá 1.000 cây nhãn…

Sau khi UBND huyện Tam Đảo có Quyết định số 660 phê duyệt phương án bồi thường đối với các tài sản cây cối và ống nước của hộ Nguyễn Thị Thịnh trị giá 996.929.000đ, Vân được chia 100 triệu đồng, Quang 50 triệu đồng, Hậu 46 triệu đồng, Thức 15 triệu đồng và ông Hai (Chính) được 4 triệu đồng, Sơn được 60 triệu đồng còn bà Thịnh có số tiền 721.929.000đ.

Tuy nhiên, do sợ bị lộ nên Hậu đã trả lại cho bà Thịnh số tiền 50.000.000đ, Sơn đã trả lại cho bà Thịnh số tiền được hưởng lợi 60.000.000đ (thông qua Hậu). Như vậy tổng số tiền bà Thịnh hưởng lợi là 831.929.000đ.

Quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố 7 bị can nêu trên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, Vũ Ngọc Thức, Lê Thị Thanh Vân, Trần Minh Ngọc do thành khẩn khai báo, khắc phục hết số tiền có được về hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Riêng Nguyễn Hồng Sơn, Trần Huy Quang, Mai Văn Hậu và Nguyễn Thị Thịnh bị tạm giam.

Tác giả: Minh Hiền

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: 5 tỷ , ăn bẩn , cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP