Ngồi hơi lệch tư thế cũng gãy xương
Sinh ra trong một gia đình có 2 anh em nhưng Nguyễn Thị Ngọc Tâm ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chân phải của chị bị quặt ngược lên trên bụng mẹ do mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, không thể duỗi thẳng được.
Đến năm 2 tuổi rưỡi, gia đình đưa cô đi phẫu thuật chân phải tại bệnh viện Nhi Thụy Điển, sau 3 lần mổ chân phải của Tâm duỗi thẳng ra được nhưng vẫn không thể đi lại được dù đã tập luyện rất nhiều lần “có những lần tập đến mức rạn xương đi bó bột nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn”.
Chị Tâm kể lại: “Thực sự thì chị gãy xương quá nhiều, từ khi còn quá nhỏ đã gãy rồi nên không thể nhớ là mình gãy xương lần đầu vào năm mầy tuổi và ở đâu nữa. Có những lần chỉ hơi ngồi lệch tư thế cũng bị gãy xương, rồi cả những đợt bó bột xong đến viện tháo bột ra đi về lại gãy luôn, lại phải quay lại viện bó bột tiếp”.
Không những thế càng lớn cô gái này càng bị thêm nhiều bệnh khác như: tim, phổi, dạ dày, phế quản…nên mặc dù đã 27 tuổi nhưng chị vần mang hình hài của một học sinh tiểu học với cân nặng 15 kg. Mọi sinh hoạt hàng ngày của chị từ việc nhỏ nhất đều phải nhờ đến sự trợ giúp của mẹ và gia đình.
Không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của chị, căn bệnh còn làm cho chị Tâm nhiều lúc phải ngủ ngồi “Chuyện ngủ ngồi hay nằm úp để ngủ giờ không còn xa lạ gì với chị nữa. Mỗi khi ốm ngủ ngồi là phải ngủ ngồi kéo dài cả tháng. Có nghĩa là phải ngồi cả ngày cả đêm 24/24”.
Một năm có 365 ngày thì cả 365 ngày chị đều phải uống nhiều loại thuốc khác nhau, chưa kể có những trậm ốm một ngày chị phải tiêm vài ba mũi là chuyện bình thường.
Đến tuổi đi học, chị cũng như nhiều người khác khát khao được đến trường đi học, ông bà và cha mẹ hiểu nên luôn cố gắng đưa đón chị đến trường hàng ngày. Vì bị bệnh xương thủy tinh, rất dễ bị gãy xương nên lên 8 tuổi chị mới đi học lớp 1. Nhưng với sự thông minh cộng thêm sự cần cù, cố gắng qua từng buổi học và đặc biệt là không phụ lòng của ông bà và bố mẹ trong suốt 9 năm đi học chị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, chị tâm sự: “Lúc vào lớp 1 chị không biết chữ nào, về nhà bố dạy cho 2 ngày, có lẽ do lúc ấy khát khao được đi học quá lớn nên sau 2 ngày chị đã thuộc hết bảng chữ cái và theo kịp các bạn”.
Học hết lớp 9, con đường đi học của chị dừng lại khi lên đến cấp ba vì khoảng cách từ nhà đến trường là 15 km, buộc chị phải chấp nhận nghỉ học ở nhà do vấn đề sức khỏe chỉ cần ngồi lệch tư thế hay va chạm nhẹ cũng có thể khiến cô bị gãy xương lại thêm gia đình lúc này chưa có xe máy đưa đón.
Cô giáo tại gia
Sau khi nghỉ học tại trường vì vấn đề sức khỏe nhưng khao khát được đi học được đến trường chưa bao giờ dập tắt trong lòng cô gái trẻ lại thêm ước mơ được làm cô giáo. Khát khao với con chữ, muốn giúp ích cho đời cũng như thực hiện mong muốn là cô giáo của mình. Sau một thời gian, chị mở lớp học miễn phí ngay tại nhà dạy học, kèm cặp cho các em từ lớp 1 đến lớp 8 trường tiểu học, trung học xã Yên Quang, thậm chí ngoài xã cũng đến cô giáo Tâm để học.
Thời gian dạy học và buổi học là không cố định, lứa tuổi học sinh đa dạng nên chị cũng có sự sắp xếp phù hợp để kèm học sinh tốt nhất có thể học sinh được nghỉ học buổi nào ở trường thì lại qua lớp của cô giáo Tâm học buổi đó. Mỗi một ca có từ 10- 15 em học sinh “có những hôm thứ 7, CN, chị dạy học cả ngày, buổi tối vẫn có những bạn học đến 21-22h đêm. Vì lứa tuổi học sinh đa dạng nên mình cũng cần sắp xếp sao cho hợp lý để có thể kèm cho học sinh tốt nhất” .
Do mắc phải căn bệnh xương thủy tinh nên cô giáo Tâm chỉ có thể ngồi một chỗ để giảng bài. Nhờ sự tận tình, tỉ mỉ và phương pháp giảng bài dễ hiểu nên các em trong lớp của cô giáo Tâm khi đi học ở trường tiến bộ hơn nhiều so với các bạn cùng lớp, có nhiều em được chọn vào các đội tuyển thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh, có những em đã đậu vào các trường Đại học danh tiếng.
Đến nay lớp học miễn phí tại gia của cô giáo Tâm đã hoạt động được hơn 10 năm, bất kể mưa, nắng , cô giáo Tâm vẫn kèm cặp các em học sinh học cấp 1, cấp 2 giúp các em củng cố được kiến thức trên lớp và hướng dẫn giúp các em có phương pháp học tập hiệu quả nhất.
Lớp học của cô giáo tâm tuy nhỏ,không phấn, không bảng, không bục giảng, nhưng luôn đầy ắp sự yêu thương, cô và trò luôn tíu tít bên nhau y như bài thơ mà cô tự sáng tác, nói về lớp học của mình với tựa đề “Lớp học của tôi”:
Không phấn, không bảng, không bục giảng.
Giáo án không, chỉ có một tấm lòng.
Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy.
Bước ngoặt đầu đời, nhờ công sức thầy cô.
Em bé tật nguyền ước mớ làm cô giáo
Gian khó cũng nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua.
Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc.
Cô với trò tíu tít bên nhau.
Trao tri thức, cùng bao nhiệt huyết.
Bao khát khao, được cống hiến cho đời.
Cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người.
Cho hôm nay, và cho cả mai sau".
Không chỉ có năng khiếu làm cô giáo, NguyễnThị Ngọc Tâm còn làm thơ, viết truyện báo dự thi. Chị bắt đầu làm thơ từ hồi lớp 4, trong đó có bài thơ “Tuổi thơ” được chị làm khi đang là học sinh lớp 7 phác họa lại chính tuổi thơ của chị.
Một số giải thưởng chị đạt được như: bài thi đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Tôi có một ước mơ do VTV6 tổ chức vào năm 2011 với tựa đề “Ước mơ của cô bé khuyết tật”. giải bài dự thi cảm động nhât do báo Du Học tổ chức cuộc thi “ con yêu mẹ” với tựa đề “Thư từ đưa con gái thủy tinh” chị viết về người mẹ của mình. Ngoài ra còn nhiều bài thơ khác đăng trên một số báo giấy khác.
Nguyễn Thị Ngọc Tâm là minh chứng rõ nhất, sáng nhất để tất cả chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, hành động và thái độ đó là dù người lành lặn hay khuyết tật, đều có thể làm cho cuộc sống thêm đẹp, ý nghĩa khi chúng ta tin, yêu và cố gắng thực hiện ước mơ của mình.
Bệnh xương thủy tinh hay còn gọi là bệnh giòn xương, bệnh tạo xương bất toàn, bệnh xương thủy tinh, tên khoa học của bệnh là Osteogenesis Imperfecta – OI. Là một nhóm bệnh lí bao gồm nhiều thể lâm sàng và có đặc điểm di truyền. Đặc trưng của bệnh là sự tổn thương thành phần collagen typ I của mô liên kết gây nên bệnh cảnh lâm sàng không những ở xương mà còn ở da, dây chằng, củng mạc mắt và răng như: gãy xương tự phát, biến dạng xương, lùn, bất thường của răng (tạo răng bất toàn), giảm thính lực. Căn bệnh này chủ yếu là do di truyền bởi gen trội hoặc lặn từ phía bố hoặc mẹ.
Đây là một bệnh bẩm sinh, trẻ bị mắc bệnh có tỷ trọng xương giảm. Trong những trường hợp nặng, bệnh biểu hiện ngay khi chào đời khiến trẻ sơ sinh bị gãy nhiều xương.
Tác giả bài viết: Mai Linh/Gia đình và Pháp luật