Giáo dục

Cái kết lặng người từ câu chuyện 2 học sinh nghỉ phổ thông tự học ở nhà

Câu chuyện gia đình 2 học sinh quyết định dừng học ở phổ thông để học ở nhà thu hút sự quan tâm của dư luận, dù đang trong những ngày nghỉ lễ.

Báo Tuổi Trẻ ngày 2/5 đăng câu chuyện về gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh - cha mẹ của 2 cháu Nhật Anh (19 tuổi) và Thái Anh (14 tuổi). Anh chị đều là giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông TP.HCM, ông ngoại là nhà giáo. Cả hai con trai nhà anh chị đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Sau đó, nhận thấy những bất cập khi theo học tại hệ thống này, năm 2014, anh Quốc Anh xin nghỉ làm giảng viên để ở nhà đảm trách việc dạy dỗ con cái.

Bài viết thu hút sự quan tâm của dư luận, trong thời điểm ngành giáo dục đang thực hiện thay đổi về chương trình phổ thông.

"Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc" - chị Thanh giải thích nguyên nhân cho quyết định dừng học này. Chồng chị cho biết thêm, những bất cập đó là chuyện học sinh bị đối xử bất công khi không học thêm, các hình phạt phản giáo dục, cách tổ chức lớp học không phù hợp,v.v

Hiện tại, cả hai anh em đều đang luyện thi chứng chỉ quốc tế về trung học IGCSE (The International General Certificate of Secondary Education), học tiếng Anh, học đàn (Nhật Anh học đàn ghita, Thái Anh học piano), tập thể dục, làm việc nhà...Tháng 9-2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi. Riêng Nhật Anh thi IELTS vào tháng 7-2015 đạt 8.0.Dự kiến Nhật Anh thi lấy chứng chỉ quốc tế IGCSE vào tháng 5/2017, nếu đậu thì gia đình sẽ cho cháu du học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến. Từ tháng 2/2017, Thái Anh nhập học lớp 9 tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM.

Anh Quốc Anh cho hay, để khắc phục những hạn chế của việc học ở nhà như kỹ năng giao tiếp, môi trường giao lưu với bạn bè, anh chị đã cho con tham gia các cuộc thi hùng biện; tham dự những sự kiện về giáo dục, về khoa học... Lớp dạy kèm của anh tại nhà cũng có nhiều học sinh cùng trang lứa với con anh.

Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, Nhật Anh cho biết: "Khi tự học, em đã thay đổi quan niệm học tập: trước đây học để có điểm vì có điểm mới lên lớp được, bây giờ tự học thì học để có kiến thức cho bản thân, học vì mình muốn tìm hiểu, sau đó mới đến điểm số".

Tự học tại nhà - thuật ngữ "homeschooling" - là một phương thức giáo dục đã có ở một số nước trên thế giới, khá quen thuộc ở Mỹ. Những năm gần đây, một số gia đình Việt Nam đang dạy con theo phương thức này. Câu chuyện của gia đình anh Quốc Anh với những kết quả ban đầu về năng lực học tiếng Anh của 2 học sinh củng cố thêm niềm tin của số ít phụ huynh đang kiên trì theo hướng homeschooling.

Chỉ một ngày sau khi đăng tải, câu chuyện đã thu hút sự quan tâm lớn với nhiều ý kiến trái chiều.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐHQG TP.HCM) là một trong số 84,7% số người đã bấm vào mục"Ủng hộ" trong một thăm dò trên báo Tuổi Trẻ (với hơn 5.000 phiếu) cho biết, anh "ủng hộ một sự lựa chọn" dù không có nghĩa là mình có thể làm được, bởi không phải gia đình nào cũng có những điều kiện thuận lợi như gia đình anh Quốc Anh.

Trong bài bình luận "Tự học tại nhà, còn sự lựa chọn nào khác" đăng tải ngày 3/5, TS Hòa viết:

"Con số 84,7% khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta phải cùng nhau bày tỏ thái độ về một nền giáo dục đang có vấn đề. Tôi dám chắc một điều rằng sự lựa chọn này không dễ dàng với anh Quốc Anh và chị Thanh, đó là lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc".

Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3/5/2017

Kết thúc bài bình luận ngắn gọn, TS Hòa nêu một dẫn chứng, khiến cho những người quan tâm tới giáo dục nước nhà không thể không suy ngẫm:

"Có rất nhiều lãnh đạo của các trường, của ngành giáo dục luôn nói rằng giáo dục VN ưu việt, thậm chí có thứ hạng trên thế giới, nhưng rốt cuộc đều gửi con cái mình đi học ở nước ngoài, mà không cho chúng thụ hưởng sự ưu việt đó của nền giáo dục nước nhà (!)".

Hai câu chuyện "nhớ đời" ở nhà trường

1. “Một lần Nhật Anh không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài. Là một nhà giáo, tôi phản đối hình phạt đó bởi tôi cho rằng nó không hiệu quả. Giờ giải lao là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi để phục hồi khả năng tiếp thu, bắt đứng như thế làm sao các em học được. Cô chủ nhiệm lại bảo: “Em chỉ cho các cháu đứng một tuần để các cháu sợ thôi”.

2. “Trong lớp, học sinh đi học thêm thì không bị truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì cô cho đến 10 trang bài tập về nhà. Làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống, đứng lên với số lần tăng gấp đôi sau mỗi lần có lỗi. Gia đình thấy bé than mỏi chân, hỏi kỹ thì mới tá hỏa.

Riêng môn tiếng Anh dù cháu học tốt, bài kiểm tra của cháu đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu cứ nói vui: “Cô hài hước quá!”.

Theo Dân Trí

Tác giả: Song Nguyên

Nguồn: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP