Cuộc đàm phán giữa hai ông trùm ngân hàng
Theo cáo trạng, tháng 9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín – Trustbank, Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank.
Phạm Công Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối với vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Bị án Phạm Công Danh chuẩn bị ra tòa trong giai đoạn 2 của đại án VNCB |
Từ năm 2013 đến năm 2014, do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nên ngày 19/4/2013, ông Trầm Bê đã gặp Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và Phạm Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn tại số 266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3 để bàn việc vay tiền.
Ông Trầm Bê biết với tư cách Chủ tịch HĐQT, Danh không thể vay tiền tại VNCB nên đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau cuộc gặp, ông Bê dẫn ông Danh sang phòng ông Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay tiền. Ông Danh đưa Mai, Khương, Viễn vào gặp ông Khang để giới thiệu sẽ thay ông Danh làm thủ tục vay tiền ở Sacombank.
Phạm Công Danh trở về trụ sở tập đoàn Thiên Thanh tại đường Tô Hiến Thành để họp và phân công Phan Thành Mai phụ trách, chuẩn bị nguồn tiền gửi để bảo lãnh; giao cho Mai Hữu Khương làm thủ tục hồ sơ vay vốn khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.
Ngoài ra, Khương còn phải tự hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn của các công ty sân sau của ông Danh, trực tiếp liên hệ, gọi điện, làm việc với ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang cũng như các cấp dưới của ông Khang.
Ngay hôm sau khi gặp Trầm Bê và Phan Huy Khang, Khương và Viễn đến Sacombank gặp Phan Đình Tuệ, thành viên Hội đồng tín dụng, Phó tổng giám đốc Sacombank. Ông Tuệ là người được ông Phan Huy Khang giao triển khai cho ông Danh vay tiền.
Tại cuộc gặp này, ông Tuệ đã nhận 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh gồm: Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh, Công ty TNHH MTV TMDV Thành Thành Công, Công ty TNHH MTV XDKD nhà Quốc Thắng, Công ty TNHH MTV XD-ĐT-PT Địa ốc Bảo Gia, Công ty TNHH MTV XD&KD Nhà Đại Long, Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt. Số tiền vay 1.800 tỉ được chia nhỏ cho mỗi công ty từ 200 đến 340 tỉ đồng.
Giải ngân trước, chứng từ sau
Sau khi ra về, Khương tiếp tục lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để hoàn thiện 6 bộ hồ sơ vay của 6 công ty nói trên tại Sacombank. Khương còn làm hồ sơ khống các bản thỏa thuận đặt cọc mua bất động sản lớn cho 6 công ty của Danh. Theo hồ sơ khống, các bất động sản này đều được mua lại từ 2 công ty của Phạm Công Danh.
Hồ sơ khống được lập tới đâu là được chuyển đến cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang (cấp dưới của ông Danh) để Trang gọi giám đốc 6 công ty tới đóng dấu, đồng thời chuyển đến cho chuyên viên khách hàng của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và quận 8.
6 giám đốc của 6 công ty đến ký 12 tài liệu khống nhưng đa số là “bảo ký là ký” chứ không hay biết gì về hoạt động công ty.
Chưa dừng lại ở đó, nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay, có bảo lãnh của VNCB, ngày 24/4/2013, Khương phải lập biên bản họp HĐQT VNCB về việc bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại Sacombank, thành phần tham dự là những lãnh đạo chủ chốt của VNCB.
Nội dung cuộc họp là HĐQT VNCB phê duyệt việc dùng tài sản là số dư tiền gửi thanh toán của VNCB tại Sacombank 2 chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 để đảm bảo khoản vay cho 6 công ty nêu trên bằng việc dùng hợp đồng tiền gửi để đảm bảo khoản vay và lập nghị quyết của HĐQT VNCB theo biên bản họp của HĐQT đưa lần lượt các thành viên HĐQT ký rồi tiếp tục chuyển cho Sacombank.
Ngày 25/4/2013, ông Danh ký mở tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và một số tài khoản đứng tên cấp dưới của ông Danh. Trong ngày này, ông Trầm Bê cũng ký phê duyệt 2 tờ trình chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty ông Danh vay tiền.
Chỉ với 7 ngày, ông Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 đồng ý chủ trương cấp tín dụng cho công ty Nhất Nhất Vinh và công ty Quốc Thắng 600 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng.
Điều đáng nói, ông Trầm Bê đồng ý cho giải ngân trước còn chứng từ sử dụng vốn đầy đủ bổ sung sau giải ngân. Sau đó, 2 tờ trình này của Sacombank được hợp thức hóa bằng 2 tờ trình ngày 24/4/2013 để đối phó với cơ quan công an.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí