Pháp luật

Cách bà Trương Mỹ Lan 'rửa' hàng trăm nghìn tỷ đồng và vận chuyển tỷ USD vượt biên

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 3 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong đó, hành vi rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng; vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa công bố kết luận điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Theo đó, ngoài các hành vi đã kết luận điều tra, truy tố và xét xử tại giai đoạn 1, quá trình điều tra giai đoạn 2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra và kết luận 3 hành vi phạm tội gồm: Hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành 25 gói trái phiếu "khống" (hơn 308.691.388 trái phiếu) không có tài sản đảm bảo, mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Suny World và Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM với tổng giá trị hơn 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.

Hành vi "Rửa tiền" đối với số tiền hơn 445.000 tỷ đồng (trong đó có hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội "Tham ô tài sản" của SCB và hơn 30.000 tỷ đồng từ nguồn tiền do phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Hành vi "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" đối với số tiền hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.000 tỷ đồng).

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 34 bị can về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong đó, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xác định là chủ mưu, cầm đầu và bị đề nghị truy tố với 3 tội danh này. Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) bị đề nghị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị đề nghị truy tố tội "Rửa tiền".

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: Lê Giang


"Rửa tiền" hàng trăm nghìn tỷ đồng

Từ ngày 1/1/2018-7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập "khống" 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của SCB và chiếm đoạt của SCB hơn 415.000 tỷ đồng phục vụ cho mục đích cá nhân.

Để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được của SCB và sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền; Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (thuộc SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (thuộc Vạn Thịnh Phát) chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền.

Khi cần tiền sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh của SCB thực hiện dưới 2 hình thức: Rút tiền mặt trực tiếp tại SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty ma, cá nhân được chỉ định.

Trong số tiền tham ô của SCB, kết quả điều tra đã làm rõ Trương Mỹ Lan chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Vạn Thịnh Phát và SCB chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhận (F1 nhận tiền, là các cá nhân, pháp nhân được giải ngân theo các phương án vay vốn "khống").

Dòng tiền hơn 415.000 tỷ đồng được Trương Mỹ Lan sử dụng như sau: Sử dụng hơn 255.000 tỷ đồng để chi trả cho các khoản vay tại SCB (hơn 182.000 tỷ đồng (các khoản vay của các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát tại SCB); Chi thực hiện các dự án hơn 1.841 tỷ đồng; Rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân hơn 15.143 tỷ đồng, theo từng lần phục vụ thực hiện các chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; Trả cho các ngân hàng khác hơn 5.618 tỷ đồng (các khoản vay nằm ngoài hệ thống SCB); Trả gốc và lãi của trái phiếu 1.645 tỷ đồng (trả gốc và lãi cho các gói trái phiếu đã phát hành của các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát); Chuyển cho SCB Cầu Giấy hơn 356 tỷ đồng (chủ yếu được sử dụng để mua USD); Chi khác hơn 48.430 tỷ đồng, là các khoản chi trả nợ giữa các công ty/cá nhân trong Vạn Thịnh Phát; thanh toán khoản trả phí, trường hợp chưa dùng đến sẽ được chuyển vào 1 tài khoản gọi là tài khoản chờ, khi cần sẽ rút ra sử dụng.

Bên cạnh đó, chuyển tiền ra nước ngoài tại SCB hơn 32.094 tỷ đồng (tương đương hơn 1,3 tỷ USD) của 29 giao dịch liên quan 9 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát (qua các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay nợ; hợp đồng tư vấn). Còn lại hơn 128.000 tỷ đồng đã được Trương Mỹ Lan chỉ đạo sử dụng cho các mục đích khác.

Ngoài ra, kết luận của Cơ quan CSĐT còn cho thấy, hành vi "Rửa tiền" của Trương Mỹ Lan còn đến từ nguồn "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu của 4 pháp nhân là: Công ty An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World (thuộc Vạn Thịnh Phát) để chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị đề nghị truy tố tội "Rửa tiền". Ảnh: Phạm Nguyễn

Lập các hợp đồng "khống" để chuyển tiền quốc tế

Đối với hành vi "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", Cơ quan CSĐT xác định, từ ngày 27/10/2012-7/10/2022, có 21 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD. 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3 tỷ USD.

Dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc Vạn Thịnh Phát đã câu kết với các nhân viên SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập "khống" các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay tiền; hợp đồng tự vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.

Các hợp đồng này đều là hợp đồng "khống" để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam; các pháp nhân chuyển tiền, nhận tiền là các công ty ma (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế) thuộc Vạn Thịnh Phát. Việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài thực hiện tại 3 chi nhánh của SCB, gồm: Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.

Mặc dù các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như: Thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; Chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; Chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam cho giao dịch chuyển… hay các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thiếu trường thông tin mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa, nhưng các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Trương Mỹ Lan khai tiền nhận từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là tiền vay, còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ. Cơ quan CSĐT cho biết, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt nên đề nghị xem xét khi lượng hình.

Tác giả: VŨ PHẠM

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP