Số hóa

Các “ông lớn” viễn thông chạy đua phủ sóng 5G

Cho đến thời điểm này, 3 nhà mạng lớn bắt đầu triển khai 5G để đưa Việt Nam vào những quốc gia có 5G thương mại sớm nhất thế giới. Theo các chuyên gia về công nghệ, không thể cứ đua nhau làm 5G mà cần có những tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm.

Một kỹ sư đang thử nghiệm tốc độ 5G tại Hà Nội. Ảnh: Cường Ngô

Đua nhau làm 5G

5G là công nghệ di động thế hệ mới của thế giới. Các nhà phát minh mạng di động này cho biết, độ trễ trên mạng 5G sẽ thấp hơn lên đến 10 lần so với 4G, điều này không chỉ giúp người dùng có thể lướt web xem phim hay chơi game nhanh hơn mà còn đem đến sự phát triển của các nền tảng điều khiển từ xa.

Nhờ công nghệ 5G, người dùng có thể chủ động làm việc cũng như kết nối từ xa với các thiết bị khác trong ngôi nhà thông minh của mình, thậm chí khi đang ở ngoài đường, trải nghiệm những cuộc gọi video bằng 3D chân thật thay vì 2D. Với tốc độ lên tới 1,2-1,5 Gbps, khách hàng có thể tải 1 bộ phim HD 90 phút chỉ trong 30 giây (gấp hàng chục lần so với 4G), xem bóng đá trực tiếp, hay chơi game đồ họa cấu hình cao trực tuyến không có độ trễ với trải nghiệm thời gian thực.

Trao đổi với Lao Động, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - quyền Chủ tịch Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho rằng, 5G cho phép người dùng không chỉ cung cấp các dịch vụ kết nối Internet vạn vật, mà hơn thế nữa, là “Internet mọi vật”.

Theo đó, nhờ 5G, hệ thống Telehealth sẽ không chỉ là khám chữa bệnh từ xa, mà sẽ là phẫu thuật từ xa; Nhà máy thông minh sẽ không chỉ là bán tự động, mà là tự động hoá toàn trình; Học tập trực tuyến sẽ không chỉ là tiếp cận với tri thức nhân loại, mà còn là tham gia trực tiếp vào các nghiên cứu khoa học tại mọi phòng thí nghiệm trên thế giới; Giao thông sẽ thực sự thông minh với xe ôtô tự lái, ôtô bay.

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cho biết, mạng 5G với những ưu điểm nổi trội như tần số cao, băng thông rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp... chắc chắn sẽ giúp người sử dụng, các dịch vụ sử dụng 5G nhanh hơn, rút ngắn thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm các chi phí phát sinh, tăng sức cạnh tranh cho dịch vụ.

Mặc dù vậy, ông Liên lưu ý, ở Việt Nam, điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông còn chưa đồng bộ, thì câu chuyện “phủ sóng” 5G không phải bức tranh màu hồng. Bởi những nhà mạng đi đầu về công nghệ cũng sẽ có thể đối mặt với những rủi ro khi cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối còn chưa nhiều và mô hình kinh doanh 5G chưa có. Chính vì vậy, trong cuộc chạy đua này cần có những tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm.

Hiện nay, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam phát sóng thử nghiệm thương mại VinaPhone 5G tại Hà Nội và TPHCM vào ngày 26-27.11 vừa qua. Ngày 30.11, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cũng khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G - sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật.

"Nhập thiết bị phát sóng 5G rất khó"

Ông Lê Đăng Dũng cho biết, cái khó khi kinh doanh 5G tại Việt Nam đó là vấn đề nhập thiết bị. “Vấn đề nhập thiết bị hiện nay khá chậm, bởi nhu cầu của một số quốc gia trên thế giới rất cao, sản xuất thiết bị 5G không phổ cập như 4G cho nên cung không đủ cầu, thiết bị 5G phải mua rất khó” - ông Dũng nói.

Theo lãnh đạo Viettel, khi triển khai “phủ sóng” 5G vẫn phải dựa vào 4G để bắt dữ liệu và chạy song song với 4G. Phải đến hết năm 2020 thì mạng 5G mới có thể chạy độc lập. “Hiện nay, các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cũng đang đề nghị hợp tác chạy 5G, để tự động hoá quá trình sản xuất. Song, cái khó nhất là vẫn phải chờ giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Khi được hỏi: “Rất nhiều người dùng hẳn sẽ muốn trải nghiệm công nghệ mạng 5G. Tuy nhiên, tin buồn là mạng 5G của Viettel hiện chỉ có thể hoạt động trên một lượng rất nhỏ thiết bị, trong đó không bao gồm các dòng máy cao cấp của nhà sản xuất Apple (iPhone)” - ông Dũng cho hay, đó là do chính sách của Iphone. “Hiện nay, nhà sản xuất Apple đang mở với những quốc gia kinh doanh 5G. Khi Việt Nam công bố “phủ sóng” 5G, tôi tin rằng hãng này sẽ mở cho các thiết bị di động được nhập chính hãng. Tôi nghĩ sẽ triển khai trong năm 2021”.

Cùng câu hỏi này, đại diện Vinaphone cho hay, Cục Tần số vô tuyến điện và các nhà mạng sẽ phải làm việc với các hãng sản xuất smartphone, để các nhà sản xuất này kích hoạt các băng tần tương thích với mạng 5G của quốc gia đó trên các sản phẩm mà họ bán ra. Đây là quá trình mà tất cả các nhà mạng Việt Nam đều phải thương thảo và không chỉ riêng VinaPhone.

Vì vậy, dù những thiết bị của Apple và Samsung hiện chưa tương thích với mạng 5G của Việt Nam, tuy nhiên người dùng có thể yên tâm rằng, họ sẽ có thể sử dụng công nghệ này khi 5G được triển khai chính thức.

Tác giả: CƯỜNG NGÔ

Nguồn tin: Báo Lao động

  Từ khóa: 5g , viễn thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP