Xã hội

Bún ngan Nhàn mắng chửi người già và câu chuyện ‘bún mắng cháo chửi’ nói nhiều nhưng chưa bao giờ cũ

Nếu vẫn còn người vì tò mò và hiếu kỳ cái tiếng "chửi khách như hát hay" của các bà chủ quán chua ngoa mà tìm đến thưởng thức món ăn, thì rất khó dẹp bỏ kiểu bán hàng này.

Khi bún mắng cháo chửi tiếp tục bị tố “mắng người già” vì ăn bát bún 30 nghìn

Cuối năm 2016, những hình ảnh về quán “bún mắng cháo chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) xuất hiện trên kênh truyền hình CNN (Mỹ), cùng với lời giới thiệu của người dẫn chương trình Anthony Bourdain “đây là món ăn đặc sắc của Việt Nam” đã gây bão mạng xã hội.

Nam MC còn bình luận về cách ăn nói và kiểu quát chửi của bà chủ quán là “cách giao tiếp suồng sã, thẳng thắn của chủ quán với khách hàng đến ăn”. Thay vì tự hào một món ăn phổ biến của người Hà Nội được giới thiệu trên kênh truyền hình lớn nhất nhì nước Mỹ, thì dư luận tỏ ra xấu hổ và bất mãn với cách bán hàng “chợ búa” của bà chủ quán.

Những câu quát nạt “Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Mà tốt nhất là về nhà tự nấu mà ăn nhé. Ở đây không làm. Đi luôn” giống như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào những tâm hồn ăn uống, đang chờ đến lượt thưởng thức món ăn vốn được khen hết lời.

Không chỉ có thế, cư dân mạng còn có một tuyển tập những câu chửi kinh khủng hơn rất nhiều của bà chủ quán như: “Gọi cái *** gì mà gọi, bảo thằng nhà quê ở đây không có bún 20 nghìn nhá”, rồi “Đã bảo là hết 40 nghìn, điếc à mà không nghe thấy?” khiến ai đọc được cũng phải “nộ khí xung thiên”.

Đoạn phóng sự về văn hoá “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội trên kênh truyền hình CNN (Mỹ).

Chưa hết. Những tưởng người Hà Nội văn minh, lịch sự, chỉ có một bà chủ quán “bún mắng cháo chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên là ngoại lệ thì còn cố… thông cảm, ai ngờ ở Thủ đô, đếm sơ sơ cũng có 3-4 quán có cùng tôn chỉ hoạt động như vậy. Chỉ có cái khác chăng là biên tập viên của đài CNN chưa tìm ra họ để mà cho lên truyền hình thôi!

Đơn cử là quán bún ngan Nhàn nức tiếng ngõ Trung Yên cũng thuộc dạng “bún mắng cháo chửi” không thua kém bất kỳ người đồng nghiệp nào. Đã từng bị cư dân mạng lên án “chửi khách như hát hay” hồi năm 2015, sau đó bà Nhàn cũng hứa hẹn sẽ không cáu kỉnh, khó chịu với khách nữa mà thay vào đó là… vẻ mặt lầm lì, tay lọc thịt, tay chan nước.

Bún ngan Nhàn tiếp tục bị tố mắng cụ già vì cụ chỉ ăn bát bún 30 nghìn đồng.

Thế nhưng, lời hứa gió bay, chẳng được bao lâu, bà Nhàn lại bị cư dân mạng tố mắng chửi người già vì một lý do hết sức nhỏ nhặt: bà cụ muốn ăn bát 30 nghìn chỉ có tiết và mọc. “Bà nói ít thôi, khách nọ khách kia đau hết cả đầu ra, nào bây giờ bà ăn gì thì bà nói lại đi”… “Cháu nói cho bà biết nhé, nhà cháu không có bún 30 nghìn nhé. Nói để cho bà biết, để lần sau bà đừng có vào hàng cháu, cháu không cần bán cho bà”.

Người chứng kiến từ đầu đến cuối màn chửi khách của bà chủ Nhàn sau đó vì quá ngán ngẩm mà cũng đứng dậy tính tiền đi luôn “và chắc chắn sẽ không bao giờ quay trở lại”.

Bị chửi như hát hay nhưng khách vẫn đông nườm nượp xếp hàng chờ ăn

Có một nghịch lý là bún bà Thảo Ngô Sĩ Liên hay bún ngan Nhàn Trung Yên càng chửi khách, càng bị cư dân mạng lên án thì… càng đông người tới ăn. Dường như mức độ chửi của các bà chủ quán chua ngoa, tỷ lệ thuận với số lượng người nườm nượp ra vào 2 quán kể trên. Thậm chí dù có phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ, dù đứng chờ 3 ngày liên tiếp vẫn không ăn được bát bún, và bị chửi xơi xơi vào mặt như mẹ quát con, nhiều người ở Hà Nội vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt.

Thời điểm quán bún chửi của bà Thảo Ngô Sĩ Liên lên sóng CNN năm 2016, hàng chục bài báo từ ý kiến chuyên gia đến quan điểm bạn đọc được đăng tải liên tục, tạo ra làn sóng tranh cãi kéo dài vài tháng sau đó. 90% bài báo đều đặt ra câu hỏi “Phải chăng người Hà Nội đang quá dễ dãi với miếng ăn của mình?” Rất ít các ý kiến bênh vực hai bà chủ ghê gớm kể trên, mà kể cả là có muốn bênh vực cũng khó giữa làn sóng dư luận đầy bất mãn lúc bấy giờ.

Dù bị chửi nhưng các thực khách vẫn đến quán bà Thảo ăn bún đông nườm nượp. Thậm chí sau khi đoạn phóng sự về bà lên truyền hình CNN, doanh thu của quán còn tăng gấp mấy lần.

Phe cực lực lên án văn hoá “bún mắng cháo chửi” kiên quyết tẩy chay, nói không với cung cách phục vụ coi thường khách hàng.

“Mình đến ăn trả tiền đàng hoàng, có phải ăn xin đâu mà bị chửi như thế”.

“Kể cả là không chửi đích danh chị thì chị cũng thấy khó chịu, ăn không ngon!”

“Các cụ dạy rồi, miếng ăn là miếng nhục, sao phải chui vào cái chỗ khổ thế để mà ăn bát bún cũng không được thoải mái”.

Các ý kiến cũng cho rằng trong xã hội ngày càng văn minh, khách hàng luôn được coi là thượng đế thì hình ảnh “chửi bới khách hàng” chẳng hay ho gì. Người Hà Nội vốn có tiếng là văn minh, lịch sự, hiếu khách trong mắt bạn bè quốc tế, giờ đây lại ào ào chửi khách, quát nạt khách, thách thức khách tự về mà nấu ăn thì đúng là chỉ có mấy bà chủ này mới có cách hành xử thiếu văn hoá như vậy!

Nhiều người sẵn sàng xếp hàng cả tiếng đồng hồ để chờ đến lượt ăn 1 bát bún ở quán bà Nhàn, chưa kể đôi khi còn được khuyến mại thêm vài câu chửi.

Phe còn lại đành yếu ớt phân bua có phải lúc nào các bà ấy cũng chửi đâu, chỉ khi mệt quá mới nặng lời dăm câu hoặc bà ấy chửi nhưng bụng dạ hiền lành, chẳng có ác ý gì. Tóm lại phe này vẫn sẽ chấp nhận bị chửi, bị quát để ăn một bát bún mà theo lời họ là “cực ngon!”

Có người hài hước ví phản ứng của người bị chửi nhưng vẫn tới ăn cũng giống như phải ứng của dân làng Vũ Đại trước lời chửi của Chí Phèo: nó chửi nhưng chắc là chừa mình ra.

Thế rồi chỉ vài tháng sau, mọi chuyện lại quay về quỹ đạo cũ. Người kiên quyết tẩy chay không ăn bún mắng cháo chửi thì sẽ không đến. Người ủng hộ lại kéo theo anh em, bạn bè đến xếp hàng chờ… nghe chửi. Rồi xuất hiện thêm một nhóm người mới “nghe danh bún mắng cháo chửi tò mò quá nên đến ăn xem sao”. Cứ thế lớp người mới thay cho lớp người cũ, khách của bà Thảo, bà Nhàn vẫn cứ đông; người lịch sự không muốn mua bực vào người thì lấy làm khó hiểu sao đến giờ kiểu bán hàng chửi khách này vẫn còn tồn tại!

Vì sao có nhiều người chấp nhận nghe chửi để ăn bún?

Có 2 lý do:

Thứ nhất, vì tâm lý hiếu kỳ, tò mò như đã nói ở trên.

Chưa biết bún bà Thảo, bà Nhàn có ngon thật hay không, nhưng vì thấy hai bà được lên báo nhiều quá, dù là thông tin tiêu cực thì người ta vẫn sẽ tò mò tìm đến, để chứng thực xem những gì báo chí nói có đúng hay không. Anh nói bà Thảo bà Nhàn chửi khách như hát hay, thế thì tôi phải xếp hàng ăn cho bằng được bát bún để xem anh có nói quá lên không.

Tâm lý đám đông thường là như vậy, càng cái gì trái với những nguyên tắc bình thường (trong trường hợp này là ân cần, niềm nở với khách) thì người ta càng cố tìm ra nó, đối diện với nó.

Hàng dài người xếp hàng chờ đợi…

Để được thưởng thức bát bún chửi “lừng danh” phố Trung Yên.

Thứ hai, vì bún ở quán hai bà “ngon”.

Nhiều người rỉ tai nhau bún bà Thảo ngon lắm, miếng ngan chặt nhà cô Nhàn là số 1; các food blogger có lượt theo dõi lớn trên các trang mạng xã hội cũng đua nhau giới thiệu quán bún của hai bà khiến người ta cứ kéo nhau đến ăn ầm ầm.

Những lời review cực hấp dẫn, nghe thôi đã thấy thèm chẳng hạn như: “…xuýt xoa về cái bát nước dùng thơm thơm lạ, miếng thịt ngan sao mà béo, mà ngọt, nước chấm pha gì mà đậm đà, mà vừa vặn đều đồng loạt gật gù rằng bún ngan ở đây khác hẳn với ti tỉ hàng bún khác ở chốn Hà Thành”.

Hay:

“Mọc thịt tươi, xay vừa đủ độ để vẫn có cái sần sật của thịt, không bị bở, trộn nhuyễn với hạt tiêu, mộc nhĩ, nấm hương ăn cứ thơm lừng lại xôm xốp. Thịt ngan luộc cũng vừa ngọt, đủ mềm đủ dai, dai để cảm nhận được thớ thịt chắc nạc, mềm để cảm nhận được độ vừa chín tới, ăn miếng nào là ngọt họng, trôi tuốt tuồn tuột vào bụng luôn” khiến người ta kéo nhau đến xếp hàng, nghe chửi để được ăn một bát bún “ngon số 1 Hà Nội”.

***

Biện minh cho việc chửi khách của mình, bà Thảo nói rằng “do cuộc đời lắm vất vả, truân chuyên nên đôi khi khó tính hơn những người khác” rồi vì quán đông khách ai cũng muốn được phục vụ nhanh khiến bà ức chế, nhiều khi không làm chủ được cảm xúc mà mắng khách hàng. Hay bà Nhàn lại phân bua chỉ khi nào khách không chịu xếp hàng, giục bà làm nhanh thì bà mới nói 1-2 câu chứ không cố ý chửi khách.

Tuy nhiên, dù có là lý do gì đi chăng nữa thì hành động chửi bới khách, dùng những từ ngữ nặng nề để đuổi khách là không thể chấp nhận được. Dù không coi khách hàng là thượng đế, thì cũng hãy tôn trọng họ là con người giống mình mà đối xử tử tế với họ, thay vì chửi bới rồi thách thức “không ăn được thì đi luôn”.

Dù có ngon đến mấy mà chất lượng phụ vụ quá tồi, chửi khách như hát hay thì liệu thực khách ăn có ngon miệng?

Để những hình ảnh xấu xí này không còn tồn tại giữa đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, có lẽ chỉ có một cách duy nhất, ấy là các “thượng đế” hãy phản ứng, ngưng đến những quán chửi này ăn. Hà Nội thiếu gì chỗ ăn ngon, lịch sự, văn minh mà phải đến những nơi mang lại cho mình cảm giác “không được chào đón” như ở hai quán bún tai tiếng kia.

Nếu không có ai đến ăn, thì bà Thảo, bà Nhàn sẽ tự hiểu ra vấn đề rằng do mình quá quắt, chua ngoa mà mất khách để rồi từ đó điều chỉnh lại hành vi, thay đổi thói quen chửi khách của mình. Ngược lại, nếu nhiều người vẫn “tiếp tay” cho hành động thiếu văn hóa ấy của chủ quán thì e rằng dịch vụ ăn uống ở Hà Nội và người Hà Nội sẽ còn mang tiếng xấu dài dài!

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP