Trong nước

Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia trên mạng Internet

Bộ Y tế cho rằng cấm bán rượu bia trên mạng sẽ giảm sự quảng bá và tác hại của rượu với mọi người.

Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay có ý kiến về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Dự thảo đề xuất nhiều quy định siết chặt kinh doanh và tiêu thụ rượu, bia.

Trong tờ trình dự thảo, Bộ Y tế dẫn chứng các nghiên cứu khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây chấn thương. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật.

Sử dụng rượu, bia gây tổn hại nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như ung thư, rối loạn tâm thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa. Rượu bia cũng ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai, suy giảm miễn dịch...

Rượu, bia gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự...

Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia hiện nay vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật. Quảng cáo, bán rượu bia trên mạng xã hội nhiều. Chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Quảng cáo bia diễn ra phổ biến, tần suất cao, trong các giờ vàng, buổi tối trên sóng truyền hình, phát thanh.

Pháp đã cấm quảng cáo bia rượu gần 30 năm nay. Ảnh: Reuters

“Thực trạng này đã dẫn đến việc quảng bá thúc đẩy sử dụng rượu bia và gia tăng thanh thiếu niên uống rượu bia”, đại diện Bộ Y tế nêu quan điểm.

Hiện có rất ít quy định về phòng chống tác hại rượu bia, hiệu lực pháp lý thấp, chồng chéo, chưa đồng bộ. Chỉ khi người sử dụng rượu bia dẫn đến các hệ quả xã hội xấu thì mới bị xử lý. Bộ Y tế cho biết hiện chưa có luật điều chỉnh trực tiếp về phòng chống tác hại rượu, bia.

“Bên cạnh những lợi ích do rượu bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm, tình trạng uống rượu bia nhiều và thường xuyên tại Việt Nam đang ở mức báo động. Tác hại gây ra đối với sức khỏe và kinh tế, xã hội đang ngày càng trầm trọng”, Bộ Y tế khuyến cáo.

Cấm ghi nhãn rượu thuốc, rượu bổ...

Dự luật gồm 7 chương, 38 điều, trong đó có đề xuất áp dụng chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia.

Dự luật cấm ghi nhãn rượu thuốc, rượu bổ...

Dự luật đưa ra 6 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.

Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị cấm dưới mọi hình thức.

Cấm kinh doanh rượu không có giấy phép; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; nhập lậu rượu, bia.

Cấm ép buộc trẻ em và người khác sử dụng rượu, bia; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ.

Đặc biệt, dự luật cấm sử dụng các cụm từ "rượu thuốc", "rượu bổ", "bổ dưỡng" hoặc cụm từ khác gây hiểu nhầm là rượu, bia tốt cho sức khỏe để đặt tên và ghi trên nhãn sản phẩm rượu, bia.

Cấm quảng cáo rượu, bia vào “giờ vàng”

Dự luật khuyến nghị người dân hạn chế dùng rượu, bia trong đám tang, cưới hỏi, lễ hội.

Các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất hoặc đăng ký với chính quyền địa phương.

Cán bộ công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc không được uống rượu, bia.

Tổ chức, cá nhân không được khuyến mại rượu trực tiếp đến người tiêu dùng hoặc dùng rượu làm giải thưởng.

Dự luật nghiêm cấm nội dung quảng cáo có thông tin, hình ảnh thúc đẩy uống rượu bia tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tín. Cấm quảng cáo rượu bia hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

Các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên cũng bị cấm quảng cáo rượu, bia. Truyền hình, phát thanh không được quảng cáo rượu, bia vào khung giờ từ 18h đến 21h hằng ngày. Quảng cáo rượu bia phải có khoảng cách tối thiểu 200 mét so với các cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Rượu bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Dự luật nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Không được bán rượu trên mạng Internet. Rượu, bia không được bán bằng máy bán hàng tự động.

Cơ sở kinh doanh rượu, bia phải kiểm tra độ tuổi của người mua, rượu, bia để phòng ngừa bán cho trẻ em. Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Siết chặt kinh doanh rượu, bia ảnh hưởng đến ngân sách?

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Các vấn đề xã hội khẳng định cơ bản nội dung dự án luật đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ siết chặt quảng cáo, khuyến mại, nhiều người cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến đóng góp cho ngân sách nhà nước và quyền tiếp cận thông tin rượu, bia. Uỷ ban ủng hộ các điều luật siết chặt quảng cáo, khuyến mại rượu, bia như dự luật.

Đề xuất cấm bán rượu, bia trên mạng Internet cũng gây các ý kiến tranh cãi. Bên cạnh ý kiến ủng hộ, còn có ý kiến khác cân nhắc không hạn chế bán rượu trên mạng để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với cách mạng 4.0.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quá trình biên soạn dự luật mất khá nhiều thời gian bởi có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: QH.

Bà Tiến giải thích quy định cấm tài trợ bằng rượu, bia nhằm mục đích giảm tính có sẵn, giảm sự quảng bá. “Trên thế giới, những nước cho quảng cáo rượu bia ở tất cả các giờ, các kênh truyền hình mọi nơi, mọi hình thức làm tăng thêm tỷ lệ nghiện rượu, bia. Họ cũng nghiên cứu rằng việc kiểm soát quảng cáo rượu bia đã làm giảm tỷ lệ nghiện rượu bia và sử dụng rượu, bia”, bà Tiến nói.

Phản bác ý kiến Luật này rất khó thực thi với cả người tiêu thụ và người sản xuất, bà Tiến cho rằng Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống thuốc lá từ 2012-2013. Các nước cũng ban hành luật này và tổng kết cho thấy lượng người hút thuốc lá giảm hẳn.

Về quy định công chức, viên chức, người lao động không được uống rượu trong giờ nghỉ trưa, bà Tiến cho hay đây là mô hình mà các nước đã thực hiện. Chính phủ đã có Nghị định cấm công chức uống rượu giờ trưa và thực tế việc uống rượu giờ nghỉ trưa của công chức đã giảm.

Bộ trưởng cũng giải thích băn khoăn về quy định cấm bản rượu cho người dưới 18 tuổi thì ai đi mua rượu cũng phải trình chứng minh thư. Bà Tiến lấy ví dụ, người học nước ngoài đều biết dưới 18 tuổi không được uống rượu. Vậy nên quy định trong luật nhằm tạo hành lang pháp lý nghiêm ngặt, xây dựng ý thức cho thanh niên.

Lãnh đạo ngành y tế cũng nói rằng, quy định cấm bán rượu trên mạng Internet là xu hướng chung theo các chính sách luật hiện nay để giảm sự quảng bá và tính có sẵn với những sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe như rượu, thuốc lá.

Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người.

Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Chi phí của người dân Việt Nam cho tiêu thụ bia năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Ngành rượu, bia nộp cho ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm (bao gồm cả nước giải khát thông thường) và tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít.

Đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã cấp được khoảng 167 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công, 204 giấy phép phân phối, 1.100 giấy phép bán buôn và 13.774 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu.

Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.

Tác giả: Bảo Hà - Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: bán rượu bia , bộ y tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP