Trong nước

Bộ Tài chính đề xuất tăng phí nước thải với tiệm rửa xe, nhà hàng

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt có thể sẽ tăng từ mức 10% như hiện tại lên 15%, đối với một số cơ sở như rửa xe ô tô, nhà hàng, khách sạn...

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay thế Nghị định số 154/2016 để lấy ý kiến các bên liên quan.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 154, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết một số địa phương như Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang... cho rằng quy định cơ sở rửa và sửa chữa ôtô, xe máy, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh khác chịu phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Bởi vì nước thải của những cơ sở này có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn.

Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở các cơ sở rửa xe ôtô

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định căn cứ vào quy định hiện hành, trường hợp nước thải của cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn.

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đề xuất điều chỉnh. Phương án thứ nhất là giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1 m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo tình hình thực tế.

Phương án thứ hai là mức thu phí bảo vệ môi trường 10% trên giá bán của một m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Riêng các cơ sở rửa, sửa chữa ôtô, xe máy, nhà hàng, khách sạn, mức phí sẽ tăng lên 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

"Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định" - dự thảo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, chính sách phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là công cụ quan trọng của Nhà nước góp thêm nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do đối tượng này gây ra.


Mặc dù số thu từ phí BVMT đối với nước thải còn hạn chế (năm 2016 thu đạt khoảng 1.287 tỉ đồng; năm 2017 đạt khoảng 2.102 tỉ đồng) nhưng khoản thu này góp phần tích cực cho các địa phương chi cho nhiệm vụ đầu tư, bảo vệ môi trường.

Mặt khác, hiện nay nhiều địa phương muốn đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung nhưng do chưa có nguồn lực nên rất cần có cơ chế khuyến khích để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư vào các dự án này. Đồng thời việc thu phí cũng tính đến chính sách xã hội đối với các hộ gia đình, cá nhân tự khai thác nước sử dụng xả thải ra môi trường.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP