Trong nước

Bộ quân phục cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong khoảng ba giờ, chín người thợ cần mẫn làm việc, có người vừa may vừa khóc, hoàn thành bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời năm 2013, Công ty cổ phần X20 nhận được nhiệm vụ quan trọng là may bộ quân phục cuối cùng cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ quân phục đặc biệt này phải hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.

Ba tiếng kể từ khi nhận nhiệm vụ, bộ quân phục gồm quần, áo lễ phục mùa đông, áo sơ mi trắng mặc trong cho Đại tướng đã hoàn thành và bàn giao cho gia đình.

Anh Đỗ Duy Văn, Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ, Xí nghiệp đo may quân đội (thuộc X20) kể lại, vừa nhận nhiệm vụ, Giám đốc Xí nghiệp lúc đó là anh Hoàng Sỹ Tâm chỉ đạo phải bắt tay vào làm ngay và huy động toàn bộ nhân viên kỹ thuật gồm chín người cùng đảm trách. Anh cũng xắn tay cùng nhân viên, mỗi người một việc, làm sao để hoàn thành công việc nhanh nhất.

Bộ quân phục cuối cùng của Đại tướng gồm quần, áo lễ phục mùa đông màu be (góc phải) và áo sơ mi trắng. Xí nghiệp Đo May Quân đội đã may lại một bộ và chiếc máy may cũng được đưa vào tủ trưng bày. Ảnh: Quang Phương

Việc đầu tiên là chuẩn bị vật tư. Dù là bộ quân phục cuối cùng, chất liệu dùng để may vẫn phải theo quy định của Cục Quân nhu, không thay đổi. Mặt khác, đây cũng là chất liệu mà bình thường Đại tướng rất thích.

Các máy may được vệ sinh cẩn thận, dùng khăn trắng để lau thật sạch. Một dãy may riêng cũng được thành lập để tránh lẫn lộn với những vật liệu xung quanh.

"Số đo của Đại tướng đã được chúng tôi lưu giữ trong hệ thống. Vì vậy, công việc được bắt đầu ngay. Tôi và anh Trần Văn Điệp được phân công cắt dưới sự chỉ đạo của anh Tâm. Tôi cắt áo còn anh Điệp cắt quần. Sau đó bàn giao lại cho nhóm chị Nguyễn Thị Thanh may", anh Văn kể.

Nhóm may được Giám đốc Tâm chia làm ba, gồm nhóm may áo với bốn người (anh Tâm, anh Đàm Hải Long, chị Nguyễn Thị Thanh, Chu Thị Chúc). Nhóm may quần có anh Lê Văn Trúc và chị Nguyễn Thị Thơm. Chị Nguyễn Thị Hạnh được giao may áo sơ mi.

Nhớ lại những giờ phút thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, anh Văn kể, trong lúc làm sản phẩm, tất cả mọi người đều rất buồn. Có người không kìm được xúc động, vừa làm vừa khóc.

"Chúng tôi, ai cũng muốn may cho bác bộ quần áo cuối cùng thật đẹp, vì đó là kỷ niệm cuối cùng với Đại tướng. Anh chị em cẩn thận, tỉ mỉ trong từng việc rất nhỏ. Bộ quân phục được hoàn thành sau ba tiếng mà không có một lỗi nào", chị Thanh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh, người tham gia may chiếc áo cuối cùng cho Đại tướng. Ảnh: Quang Phương

Sau khi kiểm tra cẩn thận, giám đốc Hoàng Sỹ Tâm đã cùng với Tổng giám đốc công ty X20 mang sang bàn giao cho gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh Văn cho biết thêm, trong buổi tối trước ngày làm lễ truy điệu cho Đại tướng, Xí nghiệp đo may Quân đội lại nhận được một nhiệm vụ nữa là may toàn bộ hệ thống vải bạt phủ lên khung đường dẫn khách từ cổng vào viếng trong nhà tang lễ quốc gia.

"Đây là nhiệm vụ rất gấp nên Giám đốc Tâm lập tức chỉ đạo phải làm trong đêm. Khoảng 14 người được triệu tập, người cắt, người may, người mang sang nhà tang lễ lắp đặt. Khi hoàn thành công việc là khoảng 1h30 sáng", anh Văn tâm sự.

Sau đó, công ty cũng được giao may trang phục cho chiến sĩ cảnh vệ canh gác bên cạnh Đại tướng tại Vũng Chùa, Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng vào hồi 18h09 ngày 4/10 tại Bệnh viện Quân y 108, nơi ông được các chuyên gia y tế chăm sóc suốt 4 năm. Trong 10 ngày gia đình mở cửa để người dân cả nước vào viếng, hàng triệu người từ miền núi đến miền biển đã đến cúi đầu tiễn biệt người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP