Chiều 17/10, tại nhà riêng ở Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio tổ chức lễ truy tặng bằng khen vinh danh giáo sư Phan Huy Lê.
Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kono Taro bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn của giáo sư Lê trong xúc tiến giao lưu học thuật Nhật - Việt, đào tạo chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản. Ông còn giới thiệu cho người dân về Phong trao Đông Du, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa người dân hai nước.
Đại sứ Nhật Bản trao bằng khen cho phu nhân giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: VT. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản Umeda ca ngợi giáo sư Phan Huy Lê không chỉ là nhà sử học hàng đầu Việt Nam mà còn là học giả hiểu biết uyên thâm về quan hệ Nhật - Việt.
Đại sứ điểm lại ba đóng góp nổi bật của GS Lê, trong đó có cống hiến to lớn với Hội Hữu nghị Việt - Nhật khi ông đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội từ năm 1987.
Ông tham gia tổ chức rất nhiều sự kiện giao lưu văn hoá, trong đó có Hội thảo quốc tế với chủ đề bảo tồn di tích phố cổ Hội An năm 1990. Thành công của sự kiện này gắn liền với dự án bảo tồn khu phố cổ hợp tác với Nhật Bản cũng như ghi tên phố cổ Hội An vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.
"Giáo sư Phan Huy Lê là người có công lao to lớn trong việc làm sáng tỏ quan hệ gắn bó mang tính lịch sử giữa Hội An và Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 16, góp phần xây dựng nền móng cho giao lưu hữu nghị hiện nay", Đại sứ Umeda nhấn mạnh.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ năm 1988, giáo sư Lê đào tạo nhiều chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản của Việt Nam.
Ông chỉ đạo tổ chức thành công Hội thảo Việt - Nhật nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du năm 2005; kỷ niệm 70 năm ngày mất của chí sĩ Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro năm 2010.
"Nhờ có những sự kiện nói trên mà nhiều người Nhật Bản và Việt Nam biết đến phong trào Đông du cũng như tình bạn thuỷ chung giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Saikitaro", Đại sứ nói.
Đóng góp quan trọng nữa của giáo sư Lê là phát triển chuyên ngành Nhật Bản học chất lượng cao trong khoa Đông Phương học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa Đông Phương đã trở thành hình mẫu cho nhiều đại học trong nước.
"Tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn được thỉnh giáo giáo sư, vì lẽ đó tôi vô cùng thương tiếc sự ra đi của giáo sư", Đại sứ Umeda xúc động về sự gia đi của giáo sư.
Tới dự buổi lễ trên xe lăn, bà Hoàng Như Lan, phu nhân giáo sư Phan Huy Lê và gia đình rất xúc động. Bà đại diện gia đình cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Đại sứ quán tại Việt Nam.
Bà kể, những năm tháng tuổi trẻ, giáo sư Lê được nhiều học gia "Tây học" như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo... trực tiếp giảng dạy.
Vì vậy, từ rất sớm, ông đã ý thức về tầm quan trọng của tính đa dạng văn hoá, tự do học thuật và vai trò của hợp tác quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu và đào tạo, ông vượt lên trên giới hạn của một lĩnh vực chuyên môn, một thời kỳ lịch sử nhất định, vượt ra ngoài phạm vi nghiên cứu về một dân tộc, một quốc gia, để mở rộng tầm nhìn mang tính liên ngành và xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế.
Trung tâm nghiên cứu Việt Nam mà ông sáng lập đã tiếp nhận nhiều nhà nghiên cứu, lưu học sinh Nhật Bản và hỗ trợ họ.
"Chồng tôi không chỉ có những người bạn Nhật là các nhà nghiên cứu mà còn có quan hệ hợp tác với nhiều cán bộ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Suốt 40 năm qua, với tư cách là một học giả, chồng tôi đã nỗ lực góp phần làm sâu sắc hơn sự hiểu biết giữa hai nước", bà Hoàng Như Lan chia sẻ.
GS Phan Huy Lê qua đời ngày 23/6 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1934 tại Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông để lại gia tài sách sử đồ sộ và cuối đời tâm huyết xây dựng bộ Quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay. Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông đề xướng quan điểm viết sử khách quan, toàn bộ, toàn diện với khát vọng khoả lấp những khoảng trống lịch sử nước nhà. Ông được phong giáo sư năm 1980; nhà giáo nhân dân năm 1994; giải thưởng Nhà nước (2000); giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011); giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016). |
Tác giả: Viết Tuân
Nguồn tin: Báo VnExpress