Trong nước

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa, yêu cầu “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”. Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”, “ở các địa phương cũng vậy”.

“Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao hành động nêu gương.

Nhiều năm rồi, cứ vào những ngày giáp Tết nguyên đán, lại diễn ra cái cảnh cán bộ các địa phương vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số, lũ lượt về Hà Nội, xếp hàng nơi nhà riêng hay công sở, để được “chúc tết” lãnh đạo hay người nhà lãnh đạo. Lâu dần, thành cái lệ, cứ “đến hẹn lại lên”. Từ cái “lệ” dần dần biến tướng, thành cái “tệ”.

Tết năm nào cũng có cảnh người dân đi biếu quà gây tắc đường.

Nói thành cái “tệ”, vì nó không còn đơn lẻ, mà ngày một phổ biến, thành thứ hội chứng nặng về vật chất, đậm mùi kinh tế thị trường đổi trao, mua bán. Mà hầu hết tiền, quà biếu xén đều lấy từ nguồn ngân sách, từ khoản rút ruột công trình, phần trăm dự án, thậm chí bớt xén khoản thu nhập của người lao động.

Nói thành cái “tệ”, vì lẽ ra, vào dịp cuối năm, cán bộ các cấp phải hướng về cơ sở nhiều hơn, tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp nhiều hơn. Lơi là cái việc cần thiết, tử tế đó, họ đua nhau làm cái việc “nước chảy ngược”, vừa lãng phí thời gian, công quỹ, vừa làm cho lưu lượng phương tiện giao thông dịp cuối năm thêm tăng đột biến, lại khiến lòng dân thêm hoài nghi về tính liêm chính, chí công vô tư của đội ngũ cán bộ hiện nay.

Với người dân, cái tục gọi là “chúc tết” cuối năm của quan chức, chỉ có hay có lợi cho một bộ phận quan chức, không có lợi cho nhân dân, đất nước. Về mặt đạo lý, vào những dịp này, đối tượng xứng đáng được nhận sự quan tâm thăm hỏi, chúc tết, tặng quà, phải là người có công, người dân vùng thiên tai bão lũ, gia đình nghèo khó. Lặp đi lặp lại cái tục lệ này, một bộ phận quan chức dễ mặc nhiên xem đây nguồn bổng lộc đương nhiên được nhận, được hưởng, trong khi người dân dễ có cảm giác bị bỏ rơi.

Với người đứng đầu Chính phủ, cái lệ chúc tết lãnh đạo của quan chức đang gây nhiều phiền toái, cần phải loại bỏ.

Không phải lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ lên tiếng yêu cầu cấp dưới không chúc tết, quà cáp, biếu xén hay phong bao phong bì cấp trên vào dịp tết. Năm trước, năm trước nữa, người đứng đầu Chính phủ từng nhắc nhở cán bộ các địa phương không về Thủ đô chúc tết, không dùng ngân sách biếu xén, quà cáp lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành.

Nhắc lại thông điệp này vào dịp Tết Mậu Tuất đang đến gần, Thủ tướng Chính phủ muốn khẳng định tinh thần một Chính phủ phục vụ, một Chính phủ liêm chính phải bắt đầu từ những công việc cụ thể. Cái việc chúc tết lãnh đạo dưới vẻ “phong tục cổ truyền”, thực tế làm lãng phí thời gian, tiền bạc, làm xấu hình ảnh liêm chính của quan chức. Không hiếm trường hợp lợi dụng “chúc tết”, “mừng tuổi” để dễ bề đút lót, hối lộ, phân chia bổng lộc, củng cố quan hệ lợi ích nhóm.

Lâu nay, thảng hoặc, có một vài quan chức, sau dịp Tết nguyên đán công khai, đã nhận được từng này tiền mừng tuổi, quà chúc tết và tự nguyện nộp vào công quỹ. Gần đây, cũng có Bộ tiên phong công bố kết quả kiểm tra, thanh tra việc quan chức Bộ mình nhận tiền, quà dịp tết, với một kết luận không thể đẹp hơn: Không có trường hợp nào nhận quà, tiền trên mức cho phép!

Thông tin sự kiện kiểu này thường khiến người dân “ngạc nhiên chưa”, và nhanh chóng chìm khuất trong dòng chảy “xa lộ thông tin” ào ạt ngày ngày. Người dân thực sự không hiểu lấy chuẩn định lượng nào để đo “dưới mức cho phép”, hay “trên mức cho phép”, và cách nào để buộc quan chức nói thật lượng tiền, quà nhận được trong dịp lễ tết, sinh nhật, lên chức?

Người dân luôn chờ đợi tinh thần trung thực, tự giác của quan chức, để càng ngày có nhiều hơn cán bộ lãnh đạo từ chối nhận, hoặc chủ động công khai số lượng tiền, quà được biếu, tặng và nộp vào công quỹ. Nhưng, thật hiếm hoi. Một khi đó là nguồn lợi lộc hậu hĩnh được che đậy trong cái vỏ bọc khá an toàn cho cả người đưa và người nhận, thì thật khó mà buông nhả.

Trong khi chờ đợi một văn bản có tính pháp lý quy định chi tiết, mang tính định lượng, trong từng không gian, thời gian cụ thể, quan chức được phép hay không được phép đưa, nhận quà, thì Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017 này, thẳng thắn “yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc tết”, “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành”. Đó là một thông điệp sáng rõ, có tính chỉ đạo. Như thế, đương nhiên, bắt buộc quan chức phải tuân thủ, không được làm trái.

Về phía người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao hành động gương mẫu, nêu gương, trước tiên là từng thành viên Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng.

Đã có ít nhiều bài học về tinh thần làm gương, nói đi đôi với làm của người đứng đầu Đảng, Chính phủ. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng bao nhiêu năm qua đã kiên quyết, bền bỉ nêu gương liêm chính, chính vì thế khi phát động công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ, thu được nhiều kết quả. Người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ đương nhiệm kiên trì nêu gương lời nói đi đôi với hành động, thực sự cầu thị, lành mạnh hóa mọi mối quan hệ, khuyến tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Một khi Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nêu gương không nhận khoản tiền, quà chúc tết của quan chức, thì quan chức sẽ không còn cớ duy trì cái “lệ” không mấy hay ho. Như thế, nhân dân, giới doanh nhân sẽ thêm niềm tin vào một Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ, Chính phủ kiến tạo.

Tác giả: Uông Ngọc Dậu

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP