Trong nước

Bộ Khoa học: 'Chúng tôi không trực tiếp thẩm định công nghệ Formosa'

Bộ Khoa học cho biết chỉ tham gia ở giai đoạn xem xét tiền khả thi dự án Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm phê duyệt đầu tư, Bộ Công thương duyệt thiết kế công nghệ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/7, trước những câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ khi thẩm định công nghệ của Fomosa, ông Đỗ Hoài Nam (Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời điểm Formosa đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt đầu tư là UBND Hà Tĩnh. Quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương có gửi hồ sơ về cho Bộ nhưng đó chỉ là ở giai đoạn xem xét tiền khả thi.

Theo hồ sơ, nhà máy sử dụng công nghệ lò cao truyền thống. Sau đó, Vụ có văn bản cho hay: Đây là công nghệ phổ biến với nhà máy luyện thép trên thế giới nhưng không phải công nghệ mới. "Mới là giai đoạn tiền khả thi nên hồ sơ của họ rất sơ sài, chúng tôi chỉ có thể trả lời như vậy. Tiếp theo Bộ Công thương duyệt thiết kế công nghệ. Chúng tôi không tham gia vào trực tiếp thẩm định công nghệ của Formosa", ông Nam nói.

Hệ thống xả thải của Formosa. Ảnh: Đức Hùng.

Ông Nam cho biết thêm, sau khi Luật Đầu tư 2015 có hiệu lực, các khâu tiền kiểm được giảm bớt, chỉ tăng cường hậu kiểm. Chỉ danh mục dự án sản xuất sử dụng công nghệ bị hạn chế chuyển giao mới phải thẩm định công nghệ ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc phải tăng cường thẩm định công nghệ ở giai đoạn xem xét đầu tư, bởi khi xây dựng nhà máy, công nghệ không phù hợp thì không thể bê nhà máy đi nơi khác được", ông Nam cho hay.

Liên quan việc tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Bộ đã chủ trì với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học công nghệ quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra chứng cứ khoa học, khách quan.

Hội đồng cũng phối hợp chặt với nhóm chuyên gia nước ngoài trong phân tích các mẫu, cá, mẫu nước dị thường, ảnh vệ tinh để chứng minh có nguồn thải lớn lan truyền từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Về phương án khắc phục hệ sinh thái biển sau sự cố thảm họa môi trường, Thứ trưởng Tạc cho rằng: "Đây là vấn đề lớn, thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường".

Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.

Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.

Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

Tác giả bài viết: Phạm Hương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP