Giáo dục

Bộ GD-ĐT "tuýt còi" các trường dùng tổ hợp "lạ" để xét tuyển

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển. Lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng

Ngày 9- 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn số 1586 gửi các cơ sở đào tạo về việc tổ chức tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2025.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển



Theo Bộ GD-ĐT, bộ này đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh có sử dụng các tổ hợp không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo…

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cho học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo chương trình này, ở bậc THPT, học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo nhóm kiến thức, có thể không học một số môn học. Do vậy, để bảo đảm công tác tuyển sinh đại học đúng quy chế, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh hiện hành, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo đặc biệt lưu ý, đối với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển cần rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển.

Lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học.

Riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện và chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong đề án tuyển sinh của nhiều trường ĐH năm nay có những tổ hợp "lạ", có thể nói là bất thường

Sự bất thường trong việc tung các tổ hợp "lạ" thể hiện ở chỗ các tổ hợp xét tuyển không có môn học cốt lõi phù hợp với ngành đào tạo. Trường đào tạo giáo viên vật lý nhưng lại không xét tuyển môn vật lý, tuyển sinh ngành công nghệ sinh học không có môn sinh, ngành sư phạm lịch sử không có môn lịch sử, ngành sư phạm địa lý không có môn địa lý…

Việc xây dựng tổ hợp xét tuyển không theo định hướng nghề nghiệp, thiếu môn học cốt lõi với ngành đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng không bảo đảm chất lượng đào tạo.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: xét tuyển , Bộ GD-ĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP