A Riêu Car là lễ hội lớn nhất được tổ chức định kỳ 10 đến 20 năm một lần của các dân tộc ít người Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hi cùng nhiều dân tộc anh em khác đang sinh sống trên đại ngàn dãy Trường Sơn. Lễ mang ý nghĩa thắt chặt tính đoàn kết giữa các làng, bản với nhau.
Các nghi thức cúng Giàng nhà cửa, Giàng núi, Thần sân… lần lượt được cử hành và các già làng, trưởng bản là những người được chọn để chủ trì. Mở đầu là lễ đón khách, dưới sự dẫn đầu của già làng, những vị khách từ các dân tộc khác nhau trên địa bàn cùng nhau tiến vào khoảng sân trước nhà sàn cộng đồng để cùng thực hiện nghi thức lễ cúng.
Một con gà được treo trên cây nêu làm lễ vật tặng cho người chủ đất cũ. Theo quan niệm, sau khi các vị khách đã ổn định vị trí, sẵn sàng bắt đầu lễ hội thì người chủ đất mới sẽ bắt con gà xuống tặng cho vị chủ đất trước đó mà các già làng đã chọn để chào mừng họ tham gia lễ hội.
Trong khi mọi người cùng ca hát nhảy múa quanh cây nêu trước nhà Rông, các già làng sẽ ngồi quây quanh vật lễ để lần lượt tiến hành các nghi thức truyền thống tiếp theo.
Phụ nữ sẽ mặc trang phục thổ cẩm, múa điệu múa truyền thống kết hợp với đạo cụ vốn là những binh khí, dụng cụ lao động để hòa cùng tiếng cồng chiêng.
Những vị già làng, cao niên trong bản sẽ là những người chịu trách nhiệm đi đầu, thổi tù và để dân bản nhảy múa.
Khác với các kỳ lễ hội trước đây, A Riêu Car lần này sẽ không tái hiện nghi thức đâm trâu vốn tồn tại lâu đời và được xem là quan trọng nhất của đồng bào huyện miền núi A Lưới.
“Nghi thức đâm trâu được sân khấu hóa. Các già làng sẽ biểu diễn nghi thức này mang tính tượng trưng trong lễ hội”, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa huyện A Lưới nói. Nhà chức trách địa phương đã nhiều lần tiến hành vận động và các trưởng làng đồng tình, chấp nhận làm theo.
Ông Cao Chí Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, A Riêu Car được xem là lễ hội văn hóa lớn nhất của các làng bản tại A Lưới. “Phần đâm trâu được thay thế bằng hình thức biểu diễn trên sân khấu nhưng lễ hội vẫn không mất đi bản chất vốn có của nó”, ông Hải chia sẻ.
Thanh niên trai tráng ở các bản làng cũng cùng tham gia lễ hội truyền thống lớn nhất và mang đậm nét văn hóa.
Lễ hội tổ chức trùng với thời gian kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện A Lưới, 50 năm giải phóng sân bay A So - một cứ điểm cách mạng đã đi vào lịch sử và ghi danh hàng chục vị anh hùng đã chiến đấu để bảo vệ bình yên cho quê hương.
Hàng trăm người đã đến và hào hứng tham gia lễ hội truyền thống của địa phương. Sau phần lễ, du khách và người dân địa phương sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa và thưởng thức nhiều món ăn truyền thống.
Tác giả bài viết: Đắc Đức