Mặt đường cao tốc tại km21 bị lún võng - Ảnh: V.D. |
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị viện kiểm sát truy tố 36 bị can trong vụ án "vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án hơn 34.000 tỉ chia thành 7 gói thầu
Theo điều tra, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án trọng điểm, có vốn lên tới 34.516 tỉ đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (Quảng Nam), giai đoạn 2 dài hơn 74km.
Đến nay, riêng 65km thuộc giai đoạn 1 dự án đã có tới 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính (trung bình 1km có 6 điểm hư hỏng).
Theo kết luận điều tra, giai đoạn 1 của dự án có 7 gói thầu được VEC ký kết thực hiện thi công.
Gói thầu thứ nhất là liên danh 2 nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), với giá trị hợp đồng hơn 2.100 tỉ đồng.
Sau đó, liên danh nhà thầu đã phân chia phạm vi và khối lượng công việc: Cienco 5 thi công các hạng mục gồm cầu, đường, cống chui dân sinh, cống hộp thoát nước... Cienco 1 thi công các hạng mục như Cienco 5 với tỉ lệ 45% giá trị hợp đồng.
Gói thầu thứ hai là liên doanh 4 nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 703 với giá trị hợp đồng hơn 2.400 tỉ đồng. Các nhà thầu này cũng chia phạm vi và khối lượng công việc.
Gói thầu số 3B là liên danh 2 nhà thầu Cienco 6 và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 - Trico, với giá trị hợp đồng hơn 1.500 tỉ đồng.
Tiếp đó, các gói thầu từ số 4 đến số 7 cũng do nhiều liên danh các nhà thầu tham gia.
Kiến nghị bỏ tình trạng chia nhỏ gói thầu
8 trong số 36 bị can bị đề nghị truy tố vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Bộ Công an |
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng nên đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải một số nội dung.
Theo đó, cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan công tác thi công, giám sát, thanh quyết toán… Lý do, đơn vị thiết kế kỹ thuật dự án đã không tham gia công tác điều chỉnh thiết kế khi có phát sinh, không tham gia giám sát tác giả thiết kế…
Cũng theo cơ quan điều tra, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, giám sát có chi phí rất lớn nhưng thực tế lại do các đơn vị, kỹ sư người Việt Nam thực hiện ở hiện trường. Vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công, phân bổ và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.
Để tăng hiệu quả dự án xây dựng, phía điều tra cho rằng cần thể chế hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, máy móc… của nhà thầu phụ và các cá nhân được nhà thầu chính chọn thực hiện thi công, giám sát. Trong đó, các dự án quan trọng của quốc gia cần có quy định, điều kiện tiêu chuẩn cao hơn.
Đặc biệt, cơ quan điều tra cho rằng cần tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực dẫn tới không kiểm soát được chất lượng công trình.
Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn về vốn để chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn trả các đường công vụ, đường dân sinh, đường mượn của nhân dân nơi có dự án đi qua.
Tác giả: DANH TRỌNG - THÂN HOÀNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ