Giáo dục

Bỏ biên chế sẽ xóa bỏ được tình trạng

Bỏ biên chế sẽ xóa bỏ được tâm lý ỷ lại vào sự yên ổn nên phải thường xuyên trau dồi kinh nghiệm và xóa bỏ được tình trạng "con ông cháu cha".

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin trước đó, tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đề xuất khá mới để ngành giáo dục được tự chủ.

Đáng chú ý, về tự chủ ở trường phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị để trường được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, thực hiện cơ chế hợp đồng với giáo viên thay vì công chức, viên chức.

Đến ngày 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Bộ trưởng chia sẻ ông cảm thấy day dứt khi mà lâu nay, dư luận xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên còn thấp, đời sống giáo viên khó khăn và đó cũng là “món nợ” mà Bộ trưởng đang phải tính toán trong nhiệm kỳ của mình.

Bỏ biên chế sẽ xóa bỏ được tình trạng "con ông cháu cha" (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Theo Bộ trưởng, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.

Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên chế như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục.

"Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận, để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay.

Và Tổng tư lệnh ngành giáo dục cũng khẳng định, bỏ biên chế giáo viên là vấn đề có tác động đến hơn 1 triệu giáo viên vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm, có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên đang giảng dạy tại một trường trung học phổ thông thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết:

Bỏ biên chế cũng tốt, nó sẽ tạo điều kiện cho ngành giáo dục thu hút được nhân tài đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, xóa bỏ được tâm lý ỷ lại vào sự yên ổn của người “vào biên chế đã khó, ra khỏi biên chế còn khó hơn” nên phải thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, học hỏi kiến thức để đáp ứng yêu cầu của công việc; xóa bỏ được tình trạng "con ông cháu cha" ...

Tuy nhiên, điều giáo viên lo ngại nhất là khi từng cấp học chúng ta chưa có cơ chế giám sát các hợp đồng “ra – vào” của giáo viên, chưa có chuẩn phẩm chất, năng lực nên khó đảm bảo sự công bằng...

Và nếu giao toàn quyền cho hiệu trưởng thì Hiệu trưởng không khác gì “ông vua con”.

Đây cũng là điều lo lắng của nhiều giáo viên bởi không phải cơ quan nào 100% giáo viên được lòng Hiệu trưởng, trong khi chưa có một có chế giám sát Hiệu trưởng của Sở, của Bộ thì việc lạm quyền cũng là điều dễ xảy xa.

Bởi lẽ, trong thời gian qua báo chí phản ảnh rất nhiều về việc thiếu dân chủ trong các cấp học, nay Hiệu trưởng lại được trao quyền sinh, quyền sát trong tay sẽ xem nhẹ các đoàn thể trong nhà trường, từ đó làm mất niềm tin của giáo viên đối với tập thể, đối với lãnh đạo.

Khi tiếng nói của giáo viên không có “trọng lượng”, nguyện vọng chính đáng có nhiều khả năng không được xem xét.

Thông qua, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chúng tôi biết rằng, cách đây 30 năm khi hưởng ứng tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã đặt ra vấn đề thực hiện theo cơ chế hợp đồng giáo viên.

Chia sẻ cụ thể hơn về tinh thần đổi mới lúc đó, ông Khuyến cho biết, bắt đầu từ những năm đổi mới đặc biệt là năm 1986-1987, cả hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục đại học, nghề nghiệp nói riêng đứng trước bờ vực thẳm vì khi đó cả nước chỉ có trường công lập, không thu học phí nên mọi kinh phí hoạt động nhà trường được Nhà nước cấp từ A đến Z.

Có nghĩa là, kinh phí trường được cấp phụ thuộc vào chỉ tiêu đào tạo, trường nào chỉ tiêu càng nhiều thì được cấp kinh phí càng lớn và ngược lại, trường nào không có chỉ tiêu thì không được cấp tiền để trả giảng viên, buộc phải đóng cửa.

Do đó, ngành giáo dục đã đề nhiều giải pháp trong đó có xóa bỏ biên chế giáo viên để cứu vãn cả hệ thống giáo dục nhưng thời điểm ấy chưa có đủ điều kiện để thực hiện.

Bởi điều này đã tác động mạnh đến đội ngũ đông đảo giáo viên là công chức, viên chức nên lúc đó, ngành giáo dục muốn thực hiện được thì trước tiên phải thay đổi những chính sách ở cấp cao hơn. Và điều này là rất khó.

“Còn hiện nay, xóa bỏ biên chế được đưa ra từ cấp Chính phủ nên tôi tin chắc chủ trương này sẽ thực hiện được”, ông Khuyến kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Khuyến cũng có lời khuyên rằng: “Các nhà quản lý ở tầm vĩ mô có thể nghiên cứu những giải pháp mà 30 năm trước đã đề ra, giải pháp nào còn phù hợp thì áp dụng luôn, không phải mất thời gian nghiên cứu lại, còn giải pháp nào chưa phù hợp thì điều chỉnh”.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP