Sau nhiều tranh cãi ồn ào, biểu giả điện luỹ tiến vẫn được giữ nguyên.
Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện đưa ra lấy ý kiến vào tháng 10 năm ngoái từng nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của người dân và giới chuyên gia. Tuy nhiên, sau một thời gian gây nóng dư luận, bản dự thảo này hoàn toàn rơi vào "quên lãng" khi cơ quan quản lý là Bộ Công Thương không đưa ra thêm các dự thảo tiếp theo để lấy ý kiến người dân cũng như đưa ra những thông tin công bố xung quanh đề án này.
Mới đây, trong văn bản trả lời cử tri phục vụ cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIII có cho biết, cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại cơ chế tính giá điện sao cho hợp lý trong điều kiện đời sống nhân dân hiện còn nhiều khó khăn. Theo đó, cử tri cũng đề nghị cụ thể phương án chỉ nên tính 1 giá đồng nhất.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương có nhận được một số ý kiến của báo chí và người dân liên quan đến quy định hiện nay về các bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện áp dụng cho khách hàng sinh hoạt. Tiếp thu các ý kiến góp ý của báo chí và người dân, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu thập số liệu thực tế cũng như tổ chức hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực và người dân.
Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện do EVN dự thảo đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay; Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) ở mức 1.747 đồng/kWh; Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc theo 5 kịch bản.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị EVN trước mắt giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 6 bậc tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và tác động của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành đến các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng.
Cũng cần nhắc lại rằng, hồi tháng 10 năm ngoái, sau gần 1 tháng EVN chính thức công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến đóng góp, khảo sát bạn đọc Dân trí cho thấy đa phần các ý kiến đang nghiêng về phương án tính đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn biểu giá điện xuống còn ít bậc thang hơn.
Đối với phương án đồng giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng phương án này sẽ minh bạch, tránh được tiêu cực trong việc ghi chỉ số điện và không gây thiệt hại cho người dùng bởi chỉ cần nhìn số điện là tính được ra giá tiền.
Các ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, nên tách riêng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và kinh doanh theo thị trường bằng các chính sách hỗ trợ với nhóm hộ nghèo, những hộ còn lại tính đồng một mức giá điện.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Xây dựng bảng giá điện sinh hoạt thống nhất phải đảm bảo chuẩn xác, công khai, minh bạch. Đây là mức giá điện cơ bản, đảm bảo cho ngành điện sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường và xoá được tiêu cực, lằng nhằng trong thực hiện, giúp người dân dễ kiểm soát. Còn nếu Nhà nước muốn hỗ trợ người nghèo, tôi đề nghị trực tiếp bằng biện pháp tài chính”.
Cũng tại thời điểm đó, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN lại cho biết, hội thảo lấy ý kiến diễn ra tại 3 thành phố đã thu hút khoảng 200 khách mời và đã có 27 ý kiến tham luận, góp ý. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, căn cứ và những nguyên tắc cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ cho sinh hoạt. Hầu hết ý kiến đồng tình với quan điểm nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện nhưng không làm tăng giá bán lẻ điện bình quân, không làm tăng doanh thu của ngành điện.
Về các phương án cụ thể, phương án giữ nguyên biểu giá hiện hành được đánh giá là khoảng cách chênh lệch giữa các bậc chưa hợp lý, dẫn đến có những khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao (mùa nắng nóng tốc độ tăng tiền điện cao hơn tốc độ tăng sản lượng điện tiêu thụ).
Về phương án đồng giá nhận được 1 ý kiến đồng tình (tương đương 3,7%). Phương án này được cho rằng dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng, ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Theo đại biểu đồng tình với phương án này, cần cải cách một lần đồng giá như Singapore đã làm, chấp nhận khó khăn một lần để hướng tới thị trường ngay.
96,29% số đại biểu tham gia góp ý lựa chọn phương án biểu giá điện rút về 3 - 4 bậc. Các đại biểu đồng thuận cho rằng tuy phương án này vẫn còn những nhược điểm nhưng đã khắc phục được phần lớn nhược điểm của 2 phương án trên. Đồng thời, phương án 3 thỏa mãn được các tiêu chí giá điện theo Luật điện lực. Hơn nữa, theo các đại biểu thì đây cũng là phương án tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dùng điện dễ kiểm tra, giám sát.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: